Thế hệ bị đánh mất: 60 triệu đứa trẻ sống xa bố mẹ tại Trung Quốc
Trích lược theo Zing 02/15/2018 10:30 AM
Những lao động di cư từ miền quê Trung Quốc buộc phải rời nhà lên thành phố kiếm sống, bỏ con cái lại cho người thân chăm sóc.

Cuộc sống Huang Yuzhong mãi mãi thay đổi vào một sáng tháng 3/2005. Cậu bé thức dậy mà không thấy bố mẹ đâu, và bà cậu đã cho biết hai người "đã lên thành phố kiếm tiền" khi cậu hỏi trong bữa sáng.

Gia đình của Yuzhong sinh sống tại làng Chi Đào, tỉnh Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc. Yuzhong là một trong hàng chục triệu đứa trẻ bị bỏ lại các vùng quê khi cha mẹ chúng phải lên thành phố kiếm sống.

Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, có khoảng 9,02 triệu người thuộc các tộc người thiểu số có hoàn cảnh tương tự như Yuzhong: Trẻ em ở miền quê có cả bố và mẹ phải đi làm xa hoặc một trong 2 phải đi làm xa, người còn lại không có quyền giám hộ đứa trẻ. Nếu tính cả những đứa trẻ có ít nhất bố hoặc mẹ đi làm xa nhà, con số này có thể lên tới 61 triệu trẻ em.

Lớp học dành cho những đứa trẻ phải sống xa bố mẹ là một dự án đặc biệt hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi. Ảnh: AFP

Tuần trước, cậu bé Wang Fuman đã làm cộng đồng Trung Quốc cảm động khi đi bộ 4,5 km đến trường dưới thời tiết âm 9 độ C, mái tóc phủ đầy tuyết và các nhà hảo tâm đã quyên góp gần 300.000 USD cho cậu bé.

Tuy nhiên, nhiều đứa trẻ khác không được may mắn như vậy. Những đứa trẻ bị bỏ mặc, với số lượng gần bằng dân số nước Anh, đã trở thành một vấn đề xã hội lớn và gây ra nhiều thảm kịch gây chấn động cả nước.

Tháng 6/2017, 4 trẻ em, từ 5 đến 13 tuổi cùng ở Quý Châu, bị bỏ mặc đã cùng uống thuốc sâu tự tử. Tháng 12/2012, 5 bé trai đã chết vì ngộ độc khí than khi cố gắng sưởi ấm bên trong một thùng rác.

Theo báo cáo của Đại học Bắc Kinh, trẻ em sống trong gia đình không đầy đủ thành viên có thể dẫn tới các vấn đề về sức khỏe tâm thần trầm trọng. Báo cáo viết: “Sự đồng hành là một yếu tố quan trọng góp phần hình thành trạng thái tâm lý lành mạnh của trẻ, điều mà thu nhập hay tầng lớp xã hội không phải là yếu tố tiên quyết”. Tình trạng trẻ em bị bỏ lại diễn ra trầm trọng nhất ở các tỉnh An Huy, Hà Nam và Tứ Xuyên, nơi cung cấp nguồn lao động chính cho các thành phố lớn. Có tới 44% trẻ em ở các tỉnh này không được sống gần cha mẹ. Con số này cao hơn con số 35,6% trung bình trên toàn quốc.

Đối với Yuzhong, không thể sống cùng bố mẹ, cậu đã đánh mất thời thơ ấu vô tư. Từ đó, cậu phải lo chăm sóc nhà cửa, nuôi lợn, trâu nước, gà mái, đi lấy củi và thậm chí là nấu ăn sau khi đi học về. Nhưng đây không phải là vấn đề thật sự đối với cậu. Yuzhong cảm thấy ngôi nhà trống rỗng khi không có bố mẹ và buồn khi những đứa trẻ khác đi chợ cùng bố mẹ của họ.

Tám tháng sau khi rời khỏi nhà, bố mẹ Yuzhong đã về nhà để đón tết của người Mông. Bố mẹ Yuzhong cho biết lên thành phố, họ chủ yếu làm việc tại các công trường xây dựng. Đây là công việc phổ biến nhất đối với những lao động di cư không có bằng cấp. Họ thường ngủ luôn trên sàn nhà tại các địa điểm đang thi công.

Sau đó, để con trai có thể ở nhà buổi tối, bố mẹ cậu mua một chiếc ti vi 14 inch, để con xem trong nhà. Nhưng điều này cũng không níu được chân của Yuzhong vì cậu không thể mời bạn bè đến nhà do bà cậu cần đi nghỉ sớm. Cậu dành nhiều thời gian với một băng đảng trong làng, gồm những đứa trẻ bị bỏ lại, trò chuyện, đùa giỡn, uống rượu và hút thuốc.

Trong thời gian đó, các quan chức của làng Chi Đào quyết định phát triển du lịch bằng cách khai thác sức hấp dẫn của người Mông. Người dân địa phương biểu diễn trong trang phục truyền thống vào lễ hội để thu hút khách du lịch. Khi nghe tin làng tổ chức một buổi biểu diễn quy mô lớn vào dịp lễ Ăn lúa mới, Yuzhong đã cùng bạn đến xem sau giờ học. 

Sau khi kết thúc buổi biểu diễn, thay vì về nhà, Yuzhong đã dẫn đầu băng đảng mà mình tham gia vào rừng bắt cá, nướng ăn. Do mâu thuẫn với thủ lĩnh băng đảng trong việc chia phần cá, 2 người ẩu đả và chiến thắng thuộc về Yuzhong. Từ đó, cậu trở thành người đứng đầu băng đảng và sau đó cậu đã bỏ học. Biết chuyện, năm 2010, bố mẹ Yuzhong quay trở về nhà và trồng trọt trên mảnh đất của gia đình. Năm 13 tuổi, bà ngoại của Yuzhong qua đời. Ngay sau đám tang, bố mẹ của Yuzhong đã phải quay lại Quảng Đông. Anh trai của cậu, Ning quyết định rời nhà kiếm sống nhưng không đi về phía nam, đến Ninh Hạ và cuối cùng cũng phải làm việc tại công trường như bố mẹ cậu.

Dưới sự trông coi của bố mẹ, Yuzhong đã trở lại là cậu bé của ngày xưa, buổi tối làm bài tập về nhà và không còn la cà với bạn bè như trước nữa. Sau đó, họ tìm được một công việc tại công trường xây dựng khu công nghiệp Kaili ở gần nhà.

Tháng 6/2011, bố của Yuzhong qua đời vì cơn đau tim khi cậu mới chỉ 14 tuổi. Gia đình cậu rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Một lần, cậu chứng kiến mẹ mình đang lục lọi thùng rác để lấy vỏ chai và lon. Cậu đã bị sốc vì biết bà là người ưa sạch sẽ. Yuzhong quyết định đi tìm việc khi chỉ mới 15 tuổi và trở thành công nhân ở một nhà máy sản xuất bao bì tại thành phố Thâm Quyến.

Công việc của cậu là ép các hộp giấy làm từ bìa cứng. Cậu bắt đầu làm vào tháng 11, thời tiết khi này rất dễ chịu nhưng ở trong nhà máy lại như một lò nung. Cuối ngày làm việc đầu tiên, tay, vai và lưng của Yuzhong đau nhói nhưng nghĩ đến hình ảnh mẹ mình phải lục thùng rác, cậu đành tiếp tục làm việc. Chỉ khi này, cậu mới thấy khâm phục bố mẹ mình: Họ chưa bao giờ phàn nàn về những khó khăn gặp phải.

Bà ngoại chăm cháu thay bố mẹ ở tỉnh Quý Châu. Ảnh: Simon Song

Yuzhong trở về làng trong khi anh trai theo vợ sang sống ở một ngôi làng khác phía bắc tỉnh Quý Châu. Cậu nhận ra những người bạn cũng bị bỏ ở nhà khi xưa cũng đang trong tình trạng giống cậu. Một số người không có việc làm, một số người làm các công việc tạm thời ở thị trấn bên cạnh. Cuối mùa xuân năm 2016, anh trai của Yuzhong trở về nhà với số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình và thành lập công ty chuyển phát nhanh tại thị trấn kế bên. Chán nản cuộc sống ở thành phố, Yuzhong đã tham gia và làm công việc quản lý nhân viên. Ở đây, cậu như cá gặp nước. Chưa bao giờ cậu thấy không khí trong lành và thức ăn ngon đến thế. Tuy nhiên, công việc kinh doanh đã bị phá sản chỉ trong vòng 1 năm.

Họ dậy muộn, chiều đi bơi ở sông Ba La gần nhà, uống rượu và đôi khi nói về tương lai của họ. Không giống như thế hệ trước, những người trẻ không chịu được khó khăn, ít ham muốn làm việc và luôn đòi hỏi lương cao dù trình độ còn hạn chế. Về nhà, cậu hay ngồi trên ban công nhìn ra sông Ba La, nơi cha mẹ mình đã ra đi. Cậu nghĩ nếu họ không rời đi, nếu cậu hoàn thành trung học và đi học ở một trường thương mại, thậm chí ở một trường đại học nào đó, có lẽ tương lai của cậu sẽ rộng mở hơn.  

Author: Trích lược theo Zing

News day