Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ thuyết tiến hóa Darwin trong chương trình phổ thông
Ruby (tổng hợp) 07/20/2017 10:30 AM
Ngày 18/7, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức loại bỏ lý thuyết tiến hóa của Charles Darwin khỏi chương trình học phổ thông trên toàn nước này.

Lý thuyết về sự tiến hóa bị các nhà sáng lập Kito giáo và Hồi giáo bác bỏ cũng như không được thừa nhận trong khái niệm chính thống của Hồi giáo ở Trung Đông vì đi ngược lại câu chuyện về Đấng tạo hóa. Họ cho rằng, Chúa trời đã tạo ra thế giới gồm cả vũ trụ và sinh vật sống trong 6 ngày như được mô tả trong kinh Thánh và kinh Koran. 

Thuyết tiến hóa của Darwin sẽ không còn được dạy ở trường học Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Turkey Purge

Cho rằng thuyết tiến hoá (chọn lọc tự nhiên) của Darwin là “đầy tranh cãi và quá phức tạp đối với học sinh”, Bộ giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định ngừng giảng dạy các nội dung này tại các trường học. Quyết định này đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ những người gạo cội ở nước này, tuy nhiên cũng có ý kiến đồng tình và cho rằng nó sẽ truyền cảm hứng để nhiều nước khác làm như vậy. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ismet Yilmaz cho biết, chương trình học này vẫn sẽ được đề cập trong bậc đại học, nhưng Chủ tịch Liên minh Giáo dục và Khoa học Thổ Nhĩ Kỳ (Egitim-Is) Mehmet Balik mô tả những thay đổi này là một bước đi sai lầm đối với các trường học ở Thổ Nhĩ Kỳ.

“Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ đang đi sai hướng khi loại bỏ những chính sách thuyết tiến hóa trong chương trình giảng dạy và yêu cầu tất cả các trường học phải có một phòng cầu nguyện chính là những điều cho thấy nền giáo dục bắt nguồn từ nguyên tắc thế tục", ông Balik cho hay.

Tượng Mustafa Kemal Ataturk, người sáng lập đất nước Thổ Nhĩ Kỳ thế tục ngày nay, được dựng trong sân trường Tevfik Ileri Imam Hatip ở thủ đô Ankara. Ảnh: Reuters

Mặc dù đây là một quyết định có phần khá táo bạo nhưng kỳ thực cũng không quá gây ngạc nhiên bởi một số chuyên gia theo chủ nghĩa sáng tạo tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất ý kiến loại bỏ thuyết tiến hóa từ nhiều năm trước. Và chính phó Thủ tướng nước này Numan Kurtulmuş đã gọi thuyết tiến hóa là “cổ xưa” và “thiếu bằng chứng có thể tin cậy”.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một số thay đổi khác trong chương trình giảng dạy đó là tăng cường giảng dạy về các tôn giáo, những cống hiến của các nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ và đạo Hồi cũng như giảm bớt các nội dung về di sản văn hóa địa phương, đồng thời tăng cường các truyền thống và chuẩn mực xã hội trong nước do người sáng lập quốc gia Mustafa Kemal Atatürk để lại.

Author: Ruby (tổng hợp)

News day