Thổ Nhĩ Kỳ ngấm đòn Mỹ, kêu gọi người dân bán vàng và USD
CTV Hoàng Phi 08/12/2018 12:00 PM
Ankara (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ) chỉ trích Washington là không công bằng, song là đồng minh lâu đời của nhau, Thổ Nhĩ Kỳ thừa biết là đòi hỏi công bằng với Mỹ là hão huyền. Biện pháp trước mắt Tổng thống Erdogan đưa ra để cứu đồng lira là bán vàng và USD.

Vinacircle - Ngày 10/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã kêu gọi người dân nước này hãy bán vàng và USD để hỗ trợ tỷ giá đồng lira đang lao dốc, có thời điểm "bốc hơi" 18% giá trị/ngày - kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2001 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

"Nếu ai đó đang cất USD hay vàng dưới gối, hãy mang đi đổi lấy đồng lira tại các ngân hàng của chúng ta. Đây là một trận chiến quốc gia", ông Erdogan phát biểu trước đám đông ở thành phố Bayburt, đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan kêu gọi người dân bán vàng và đô la Mỹ để cứu đồng lira. Ảnh: baogiaothong.vn

Đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã sụt giảm giá trị với tốc độ "kinh hoàng" sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng gấp đôi mức thuế đối với thép và nhôm mà Mỹ nhập khẩu từ quốc gia này - tương ứng 20% và 50%.

Ông Erdogan chỉ trích Mỹ: "Một số quốc gia có hành vi bảo vệ những kẻ âm mưu đảo chính và chẳng biết gì đến luật pháp hay công lý. Mối quan hệ của chúng ta với các quốc gia ấy đã rơi xuống mức không thể cứu vãn".

Mặc dù đồng lira sụt giảm giá trị khiến giá thuê nhà, giá thực phẩm và giá xăng dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng mạnh, song dường như ông Erdogan tin tưởng vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.

Chính vì vậy ông đã tự tin tuyên bố rằng: "Đừng quên điều này: nếu họ có USD, thì chúng ta có công lý và có Thượng đế. Chúng ta sẽ vượt qua cuộc chiến tranh kinh tế một cách thành công".

Từ đầu năm 2018 đến nay - sau cú sốc kinh hoàng ngày 10/8 vừa qua - đồng lira đã mất khoảng 40% giá trị so với đô la Mỹ. Nhận diện sự nguy hiểm đó, Tổng thống Trump còn "bồi thêm vài cú trời giáng" với Ankara.

Viết trên Twitter, người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh: "Đồng lira đang lao dốc rất mạnh so với đồng USD của chúng tôi. Mối quan hệ của chúng tôi với Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đang rất không tốt".

Sau những dòng tweet trạng thái của Tổng thống Trump và Mỹ tuyên bố tăng thuế nhập khẩu nhôm và thép từ Thổ Nhĩ Kỳ lên gấp đôi, thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức có phản ứng tiêu cực và tồi tệ.

Nếu như đồng nội tệ mất giá tới 18% chỉ trong ngày 10/8, thì thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 17% nếu tính theo trị giá đồng lira, còn nếu tính theo trượt giá với đồng USD thì mất tới 40%.

Điều đó khiến cho chi phí nợ vay của chính phủ - lợi suất trái phiếu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên tới 18%/năm tính bằng đồng lira, còn tính theo đồng USD thì cũng lên tới 7%/năm.

Từ đầu năm đến nay, đồng lira đã giảm giá trị đến 40% so với đồng đô la Mỹ.
Ảnh: baodatviet.vn

Theo hãng tin Reuters, mối quan hệ mỗi lúc một xấu đi giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ càng khiến giới đầu tư có thêm lý do để bán tháo lira và nếu Ankara không có biện pháp hữu hiệu thì sẽ có nguy cơ xảy một cuộc khủng hoảng tiền tệ.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 từ mức 5,5% xuống còn 4%, nhưng giới chuyên gia cảnh báo ngay cả 4% cũng khó đạt được trong bối cảnh giới đầu tư mất niềm tin vào các biện pháp của chính phủ.

"Không loại trừ khả năng một cuộc suy thoái và khủng hoảng nợ sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực thi các biện pháp kiểm soát vốn và đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế giải cứu", ông Carsten Hesse, Chuyên gia kinh tế về châu Âu thuộc Berenberg, nhận định.

Rõ ràng, tình hình kinh tế - tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ hiện rất tồi tệ và khi phải lấy niềm tin vào Thượng đế làm động lực, phải dựa vào tích luỹ của người dân để làm nguồn vượt qua tình trạng ngặt nghèo, cho thấy có lẽ Tổng thống Erdogan đã bất lực.

Erdogan đã ngấm đòn của Trump?

Dù Tổng thống Erdogan có những tuyên bố cứng rắn, song Ankara đã đề nghị đối thoại với Washington để giải quyết vấn đề. "Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Trump quay lại bàn đàm phán", lời Bộ trưởng Bộ Thương mại Thổ Nhĩ kỳ Ruhsar Pekcan.

Tổng thống Erdogan đã bắt đầu ngấm đòn của Mỹ.
Ảnh: baodatviet.vn

Theo chuyên gia Rodrigo Catril thuộc Ngân hàng Quốc gia Australia, cộng hưởng với nỗi lo về căng thẳng Ankara - Washington là nỗi lo về lạm phát tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ và tính độc lập của Ngân hàng Trung ương nước này, khiến giới đầu tư hoang mang.

Dưới sức ép của Tổng thống Erdogan, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã phải giữ lãi suất ở mức thấp, trong khi lạm phát đã vượt ngưỡng 15% vào tháng 7/2018. Điều đó chỉ làm ông Erdogan hài lòng, nhưng đi ngược lại kỳ vọng của thị trường.

Với tình hình ngày một xấu như hiện nay - cả trên thị trường tiền tệ và các thị trường phái sinh khác - nhiều khả năng đã đến lúc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải có hành động khẩn cấp.

"Nhưng nâng lãi suất khẩn cấp để đối phó với nguy cơ một cuộc khủng hoảng tiền tệ chỉ có tác dụng tạm thời. Do vậy chưa biết khi nào Thổ Nhĩ Kỳ mới thoát khỏi tình trạng hiện nay", lời ông William Jackson, chuyên gia kinh tế của Capital Economics.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thâm hụt thương mại quốc tế - nhập siêu - mà mức nhập siêu lên tới 5,5% GDP vào năm 2017. Thực tế đó khiến cho việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép lên gấp đôi càng đẩy Ankara vào thế ngặt nghèo.

Theo giới chuyên gia, để giải quyết tình trạng thâm hụt ấy thì Ankara cần phải có biện pháp kích thích tăng trưởng, mà trong bối cảnh hiện nay bất cứ liệu pháp kích thích nào cũng cần được tài trợ vốn, hoặc bằng đầu tư nước ngoài hoặc bằng tăng nợ vay.

Author: CTV Hoàng Phi

News day