Khi đã trưởng thành, tôi thường nhớ về những hình ảnh trong quá khứ của mình.
Hình ảnh mà tôi hồi tưởng nhiều nhất là hai cậu bé đánh chuông trong nhà thờ. Một trong hai đứa trẻ ấy là tôi, đứa còn lại là Hoàn - bạn thân tôi. Nói chính xác hơn thì người đánh chuông là cha của Hoàn. Ông dậy từ sớm, ngồi trên chiếc ghế gỗ kéo sợi dây chuông để nó phát ra âm thanh. Thứ âm thanh trong trẻo vang khắp cả đất trời. Còn tôi với Hoàn chỉ đứng phía sau hỗ trợ thôi. Tuy vậy nhưng cả hai chúng tôi đều phấn khởi và vô cùng hãnh diện cứ như mình là người rung chuông vậy.
Tôi lắng tai nghe thật kỹ âm thanh của tiếng chuông mà cha Hoàn đánh lên và phát hiện ở khoảng giữa kéo dây và buông dây có một giai điệu kỳ lạ ngân vang trong trí óc tôi. Giai điệu lanh lảnh như những nốt nhạc thánh thiện đóng vai trò kết nối và chỉ lối cho mọi người đến với Chúa. Một khoảng nghỉ khá dài trước khi âm thanh kế tiếp vang lên. Giai điệu đó cứ lặp đi lặp lại, vừa thiêng liêng vừa thanh thản như là tiếng lòng và niềm tin yêu của triệu con tim gửi gắm vào Chúa.
Tháp chuông cao 46 mét được xây từ lâu đời nên trông chúng cũ kỹ và bụi bặm, xung quanh là bốn cây cột bằng gỗ thông dựng đứng, theo hướng thẳng lên trời. Bên trong có một quả chuông lớn và hai quả chuông nhỏ treo lơ lửng giữa những thanh xà nằm ngang bắc qua đỉnh của mấy cây cột. Mái ngói của tháp đã bị hoen gỉ, sơn bong tróc thành từng mảng. Dường như khi chuông ngân, cả cái tháp cũng đều rung theo.
Sợi dây cột chuông được buộc ở trên cao, chỉ trừ những người có nhiệm vụ đánh chuông hoặc gác chuông mới được chạm vào hoặc sử dụng. Điều này cũng là để tránh cho những đứa trẻ không thể nghịch phá. Thế nhưng cũng có một số đứa tinh quái, ưa nghịch ngợm nhân lúc không có người bắc thang trèo lên, dùng hết sức lực giật dây thật mạnh. Tuy vậy, những đứa trẻ không thể đánh lừa các giáo dân, họ biết phân biệt giai điệu của tiếng chuông được đánh lên một cách nghiêm túc và đùa cợt. Những lúc người đánh chuông có việc bận thì vị linh mục thay thế nhưng như vậy thì sẽ không kịp cho giờ làm lễ mỗi sáng. Vị linh mục đành gọi chúng tôi đến giữ vị trí gác chuông dù sao thì chúng tôi cũng là những đứa trẻ ngoan.
Giữa những bộn bề cuộc sống, quay cuồng trong vòng xoáy tiền bạc, tôi nhận được tin người bạn ấu thơ của tôi là Hoàn vừa mới qua đời. Xuyên qua thời gian khoảng hai lăm năm về trước, khi nhớ về những ký ức của người bạn cũ, lồng ngực tôi bỗng vang dội tiếng chuông năm ấy.
Buổi tối thứ bảy, cha Hoàn đi vắng, tôi và cậu đến chỗ đánh chuông để thế cho ông. Chúng tôi kéo dây nhưng không có bất kỳ âm thanh nào phát ra. Hoàn đoán rằng quả lắc của chuông đã bị cột chặt vào thanh xà. Có ai đó đã bày ra trò này nhưng chúng tôi không có nhiều thời gian để nghĩ kẻ đó là ai. Hoàn chạy đi kiếm một cái thang rồi tựa vào cột trụ để trèo lên, tôi đứng dưới giữ cho thang được thăng bằng. Hoàn tháo quả lắc ra rồi ngoảnh mặt xuống ra hiệu cho tôi leo lên. Sau này, ngay tại khoảnh khắc Hoàn vẫy tay, tôi vẫn thường tự hỏi vì cớ gì mà cậu muốn tôi leo lên tháp.
Tôi leo tới đỉnh tháp, tìm một chỗ ngồi cố định rồi nhìn ra xa. Khung cảnh đơn sơ trong bóng chiều nhập nhoạng. Phía xa, đằng sau khoảng đất đầy cỏ dại là một ngôi nhà tranh xiêu vẹo, vài đứa trẻ chơi trò gì đấy trước sân. Hoàn chỉ tay. Nơi ấy, cây ngân hạnh đang nở hoa, màu vàng óng ả. Những chiếc lá ngân hạnh lộng lẫy, tung mình theo gió bay trên bầu trời chiều đỏ rực, một cảnh tượng khiến tôi nhìn mê mẩn. Phía dưới gốc cây có con chó được xích lại, có bộ lông màu nâu. Nó thuộc giống chó Nhật và là một con chó vô cùng xấu tính. Mặc dù chúng tôi và nó đã quen biết thế nhưng mỗi lần đi ngang qua ngôi nhà, nó đều chạy ra sủa om sòm và còn rượt theo chúng tôi. Nếu chúng tôi dừng lại, tìm một khúc cây hay một hòn sỏi để ném nó, nó sẽ chạy đi và khi chúng tôi quay về, nó lại tấu lên bài ca quen thuộc. Vậy mà giờ đây nó không thể đi đâu, chỉ nằm im một chỗ, há miệng đớp lấy từng chiếc lá rẻ quạt rơi xuống nhưng có vẻ khó khăn. Cảnh tượng khôi hài khiến tôi với Hoàn không thể nào nhịn được cười.
Một tiếng quát tháo đầy dữ dội bất ngờ phá tan bầu không khí yên tĩnh. Tôi ngó xuống và thấy người đàn ông cao to lực lưỡng đứng dưới chân tháp tự bao giờ. Và ông ta đang nhìn chúng tôi bằng cặp mắt giận dữ. Trước khi mọi điều tệ hại có thể xảy đến, tôi vòng hai cánh tay quanh cột trụ rồi theo đó mà trượt xuống. Người đàn ông nhanh chóng dịch chuyển cái thang về hướng khác. Không còn cách nào Hoàn đành phải nhảy xuống. Cú nhảy của cậu gặp tai hoạ: cậu bị gãy tay. Sau sự việc đó, gia đình tôi chuyển đi nơi khác sống. Lúc ấy tôi chỉ mới mười tuổi.
Tôi không có nơi ở cố định, không có cái gọi là "quê hương". Từ nhỏ đến lớn, không biết tôi đã chuyển nhà bao nhiêu lần. Năm sáu tuổi, tôi đến ở một nơi không để lại chút ký ức gì. Sau đó lại chuyển tới ngôi làng có Hoàn. Ngôi làng gần nhà thờ, cha Hoàn làm công việc đánh chuông trong ấy. Mãi đến năm mười tuổi thì chuyển lên thành phố. Trước khi lên ở hẳn trên thành phố, gia đình tôi đã phải trải qua nhiều năm ở cái thị trấn bé tẹo, nghèo nàn và cuối cùng định cư tại một con phố sầm uất, nhộn nhịp cho tới giờ. Cha tôi là giáo viên dạy cấp một. Tôi chẳng làm gì, chỉ mỗi việc theo cha tôi hằng năm chuyển nhà mà cũng thấy mệt mỏi dù tôi chẳng khuân vác gì nhiều.
Có lẽ tôi đã không tin người đó là Hoàn - bạn thời trẻ của tôi - nếu không có mấy cụm từ "người phụ trách đánh chuông nhà thờ" đằng sau tên cậu ấy.
Trong khoảng thời gian hai lăm năm, chúng tôi không một lần trao đổi thư từ hay gọi điện cho nhau, gặp nhau thì càng không. Tôi đoán Hoàn đã quên mất tôi rồi.
Một lần về lại ngôi làng nơi Hoàn từng sống, nằm bên cạnh vách núi. Có thể xem như đây là một trong những cố hương của tôi. Hoài niệm về ngày thơ ấu khi tôi chỉ là đứa trẻ mười tuổi là điều gì đó tôi hoàn toàn không hiểu hết. Qua hai lăm năm, ngôi làng trong trí nhớ tôi đã trở thành một nơi khác hay nói đúng hơn ngôi làng có quá nhiều sự thay đổi. Những ngôi nhà bằng tre, bằng đất được thay thế bằng gạch vững chắc. Đèn điện thắp sáng từ đầu làng đến cuối làng. Có rất nhiều con đường được mở thông ra quốc lộ. Nhiều cửa tiệm mọc lên: tiệm làm gốm, tiệm tạp hoá, một hiệu thuốc tây và một cửa hiệu thời trang. Tất cả các cửa hiệu đều nằm ở đường chính nên giờ đây gọi là phố nhỏ mới đúng. Tôi nghe nói các bạn tình nguyện viên đã mang đến nhiều đổi mới cho ngôi làng.
Vài đứa trẻ đang trên đường đi học về. Chúng vừa đi vừa hát vu vơ, khăn quàng đỏ tung bay. Tôi nhìn bọn trẻ bước ra từ ngôi trường tiểu học. Trước đây phòng học chỉ là những khu nhà được lợp bằng ván giờ đây được xây khang trang, tươm tất. Tôi đi ngược trở lại dọc theo hàng rào sân bóng rổ. Mặt đất ngập nước bởi trận mưa tối hôm trước.
Tôi đưa mắt nhìn về phía ngọn núi sau trường tiểu học, nhà thờ cổ kính bé nhỏ hiện ra trước mắt tôi. Thật sự tôi đã mất đi cảm giác về nó nhưng lại không mong nó sẽ thay đổi. Hồi xưa, nhà thờ được xây theo kiểu truyền thống có ngói. Bên trong sảnh, những dãy ghế được xếp ngay ngắn, thứ tự và được phân ra thành hai dãy dành cho nam và nữ. Vị linh mục đứng ở giữa để giảng kinh.
Tôi đi loanh quanh trong nhà thờ, hồi tưởng một chút về những khoảnh khắc xưa. Hàng cây đu đưa in trong nắng. Tháp chuông giờ cũng đã khác, sơn sửa lại và có đắp hoạ tiết hoa văn ôm lấy các cột trụ. Dấu thập được gắn ở đỉnh nhọn của tháp, như một tuyệt tác giữa bầu trời trong vắt. Cảnh tượng không gợi lên bất kỳ hồi ức nào trong tôi và tôi cũng không cố gắng nhớ lại, chỉ đơn thuần rằng tôi đến nơi đây tản bộ để cho những kỷ niệm tự mình trỗi dậy.
Tôi vô tình lạc chân đến phòng của vị linh mục. Căn phòng đã được quét vôi lại, như mới xây. Ngày đó, vị linh mục đã già nay càng già hơn nữa. Khi rảnh rỗi ông không về thăm gia đình mà câu cá ở con suối cách nhà thờ khoảng mấy trăm mét. Mọi việc trong nhà thờ ông giao lại cho vị linh mục khác. Vị linh mục hiện tại còn rất trẻ, nhìn chừng khoảng ba mươi mấy tuổi. Tôi tìm gặp ông, nói rõ mình là ai và hỏi ông về cái chết của Hoàn. Ông cho tôi hay đám tang đã được diễn ra từ tuần trước. Ông cũng kể cho tôi biết rằng Hoàn rất muốn mọi người biết đến cậu với chức danh người đánh chuông nhà thờ chứ không phải là cha mình. Trước phút lâm chung, Hoàn khẩn thiết nhờ vị linh mục trẻ phải báo ngay cho tôi về cái chết của cậu, thế nên hiện giờ tôi mới có mặt ở đây sau khi gác chuyện công việc sang bên.
Sự trở về của tôi có lẽ đã quá muộn, tôi không gặp mặt Hoàn lần cuối cũng không hỗ trợ gì cho đám tang. Thật ra ngay khi Hoàn vừa trút hơi thở, người ta báo tin về trường tôi nhưng vì lúc đó đang vào kỳ nghỉ đông nên mấy ngày sau tôi mới hay tin.
Tôi hỏi vị linh mục gia đình Hoàn còn có những ai. Tuy là bạn nhưng tôi chưa một lần đến nhà cậu cũng như việc cậu kể về bản thân cho tôi nghe. Người bạn thời ấu thơ đó, đã mất liên lạc trong suốt hai lăm năm, người bạn mà tôi chơi thân thiết khi chúng tôi còn là những đứa trẻ hồn nhiên. Thậm chí khi tôi chuyển nhà, cậu cũng không hề biết nơi ở của tôi. Chúng tôi chẳng nói gì cả ngoài câu tạm biệt. Câu trả lời của vị linh mục khiến tôi vô cùng thất vọng. Gia đình Hoàn không có ai cả. Thật kinh ngạc khi cha cậu chỉ là cha nuôi. Năm ấy khi nhảy từ trên tháp xuống, cậu bị gãy một cánh tay. Quá trình lớn lên, cậu không có ai theo khi mà một bên tay đã tàn phế. Tôi thật sự không thể hình dung ra được hình dáng khi cậu trưởng thành và suốt thời gian mất tích cậu đã sống ra sao.
Vị linh mục chỉ tay về phía căn phòng mà Hoàn đã sống quạnh quẽ một mình cho đến lúc qua đời. Căn phòng cuối cùng nằm ở cổng phụ. Nỗi cô đơn của cậu bạn, tôi có thể cảm nhận được. Niềm cảm nhận vừa dâng lên đã khiến lồng ngực tôi co thắt lại. Chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy mình có lỗi về sự ra đi của Hoàn. Tôi hoàn toàn không hay biết căn bệnh quái ác mà cậu đã chịu đựng suốt thời gian qua. Tôi không thể làm gì cho cậu ngoài việc đứng ở đây, một người bạn hờ hững, vô tâm. Bây giờ hối hận, ăn năn thì có ích gì. Tôi chỉ có thể đến viếng thăm mộ của người bạn cùng tuổi lại đi sớm hơn tôi trước khi tôi quay về nhà trọ.
Dường như nhớ ra điều gì, vị linh mục trẻ bảo tôi đợi rồi ông vào phòng Hoàn và đem ra một xấp giấy. Đó là những bức tranh Hoàn vẽ trong lúc buồn chán bằng cánh tay còn lại. Tôi thực sự không nhớ có lần Hoàn kể với tôi rằng cậu thích hội hoạ ngay từ lúc còn nhỏ. Dù sao đi chăng nữa thì cậu đã sống không uổng phí một đời với việc vẽ tranh để bầu bạn.
Những bức tranh được vẽ trên giấy canson và bằng bút chì. Sau khi xem kỹ qua một lượt tôi nhận ra có một điểm chung trong những nét vẽ đơn giản mà vô cùng sâu sắc. Đó là sự sục sôi của tuổi trẻ, không phải vì yêu mà sống, chính là muốn vì khát khao mà đấu tranh, muốn làm một điều gì đó hữu ích dù cho đến phút cuối thân xác này chỉ còn là tro bụi.
Trong một khắc có một bức tranh làm tôi chú ý nhưng tôi chỉ xem vội qua rồi hỏi vị linh mục rằng tôi có thể lấy một bức về làm kỷ niệm được không. Vị linh mục gật đầu. Tôi rút nhanh một bức trong xấp giấy, cuộn tròn lại nhét vào chiếc cặp đeo bên vai. Sau đó tôi về.
Mái nhà tranh đổ nát giờ đây đã biến thành ngôi nhà sang trọng được xây theo lối kiến trúc phương Tây, hiện đại và nho nhã với một bức tường bao phủ quấn đầy dây leo. Tôi bước thật chậm ngang qua bức tường cao ấy. Những tiếng nói tiếng cười khác nhau vọng ra từ bên trong. Chứng tỏ nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Xem ra người chủ cũ trước kia đã dọn đi.
...
Băng qua nhà thờ để sang bên kia đường, đi hết con đường mòn nhỏ và hẹp leo lên một dãy đồi nữa là đến khu nghĩa trang công cộng. Những bia mộ được xếp thành một hàng dài phủ đầy cỏ và hoa dại. Tôi cố gắng nhớ tên đầy đủ của Hoàn và hình dung ra khuôn mặt lúc lớn của cậu nhưng tôi không tài nào nhớ nổi. Tôi cũng thật ngốc khi không hỏi vị linh mục đâu mới chính xác là ngôi mộ của Hoàn. Tuy vậy bàn chân tôi vẫn cứ bước, băng qua lớp cỏ dày, giẫm lên những cánh hoa ẩm ướt. Nhìn chung quanh, mắt tôi dừng lại ở cây thánh giá gỗ nằm ở phía cuối khu nghĩa trang.
Vì Hoàn lớn lên trong nhà thờ, gốc gác đã có một phần đạo Thiên Chúa nên khi chết đi được cắm cây thánh giá lên bia để phân biệt với những người khác. Đứng trước mộ phần của người bạn năm xưa, trong đầu tôi xuất hiện hình ảnh cậu bé gầy gò, xanh xao với khuôn mặt buồn khổ được che đậy bằng những nụ cười lạc quan. Một cảm giác giận dữ dâng ngập trong lòng. Nó như cơn sóng thần cuồn cuộn khi lần đầu tiên tôi trông thấy bức vẽ của Hoàn. Cậu vẽ hai đứa bé đánh chuông và viết dòng thông điệp ngay bên dưới bức tranh. "Tôi sẽ không bao giờ quên người bạn này."
Hiện tại, bức vẽ vẫn còn đang cuộn tròn nằm trong túi xách. Tôi không đủ dũng khí để mở ra xem một lần nữa vì cảm thấy xấu hổ. Trong suốt hai lăm năm với nhiều biến động và đổi thay, Hoàn đã luôn dõi theo tôi còn trong ký ức của tôi chẳng có gì ngoài tiếng thét đau đớn khi cậu ngã từ nóc tháp chuông xuống đất.
Tôi rời khỏi nghĩa trang, chậm rãi bước xuống đồi. Trời chiều nhưng ánh mặt trời vẫn còn gay gắt. Tôi đứng ở trạm xe buýt kiểm tra lịch trình, cứ khoảng nửa tiếng lại có một chiếc ghé trạm. Vẫn còn dư dả thời gian để đợi chiếc tiếp theo, tôi bèn vào tiệm trà đối diện trạm xe. Tiệm vắng hoe. Nhân viên trong tiệm quay quần đánh bài. Tôi tìm chỗ ngồi ngay cạnh cửa sổ có nhiều nắng. Không để tôi đợi lâu, phục vụ mang đến tôi tách trà nóng.
Hớp một ngụm trà, tôi dịch nó ra xa một chút và lôi bức tranh từ trong cặp ra, trải nó lên bàn. Lần này thì tôi đã đủ can đảm để ngắm thật kỹ bức tranh. Chuyến tàu tuổi thơ chạy ngang qua trí nhớ tôi, tái hiện lại một quá khứ đẹp đẽ. Ngồi trong tiệm trà nhưng tôi lại thấy mình đang lang thang đến một nơi nào đó xa xôi lắm. Xen vào giữa giọng đọc kinh thánh của các giáo dân là âm thanh vang vọng của tiếng chuông thánh thót nơi giáo đường. Chính Hoàn đã tạo ra một ký ức tình bạn giữa hai chúng tôi in đậm trong từng bức vẽ khiến ký ức dù qua năm tháng nhuốm bụi thời gian hay bụi của sự quên lãng vẫn long lanh và nguyên vẹn, còn tôi lại là kẻ làm phai nhạt đi tất cả.
Tôi ngoắt tay cô nhân viên bảo cô mang đến một ít lá trà xanh. Tôi có thói quen bỏ lá trà còn tươi vào trong tách khi uống. Khi cô mang đến, tôi hỏi cô có nghe thấy tiếng chuông nhà thờ từ đây không, có thấy gì khác biệt không?
- Anh không nhầm đấy chứ, hôm nay chỉ mới thứ sáu thôi mà. - Cô gái nhắc cho tôi nhớ rồi cười nhẹ làm tôi đâm ra xấu hổ. Tôi cứ tưởng hôm nay là chủ nhật.
Tôi không biết người kéo chuông mới là ai nhưng có một điều biết chắc chắn rằng âm thanh sẽ không giống nhau. Đối với người khác, âm thanh nào cũng vậy thôi nhưng với riêng tôi, tôi chỉ yêu mến tiếng chuông cũ do Hoàn kéo vì đó là tiếng chuông của hoài niệm, của một người bạn sống cuộc đời cô độc nơi nhà thờ, xem hư vinh chỉ là gió thoảng mây trôi.
Cùng với những suy nghĩ này, trong tim tôi bỗng ngân lên âm thanh của tiếng chuông năm nào. Giai điệu lanh lảnh như tiếng suối chảy róc rách, như tiếng sóng gợn trên mặt nước mỗi lúc một lấp đầy hồi ức tôi.
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX