Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ trong các nghi lễ đám cưới
Cao Nhân (Dịch) 02/08/2017 11:30 AM
Đám cưới ở Ấn Độ rất phức tạp, thường liên quan đến con số chi phí tổ chức và chuẩn bị đồ ăn cho nhiều người.

Một đám cưới tiêu biểu gồm tất cả nghi lễ và các công việc thường kéo dài 3 - 7 ngày, với số lượng người tham gia đến 100 người hoặc nhiều hơn, chủ yếu là người thân tham dự. Phong tục đám cưới sẽ khác nhau tùy theo khu vực địa lý, giai cấp, dân tộc, thu nhập của các gia đình tổ chức.

Hôn nhân theo truyền thống được xem như là một sự khởi đầu mới, trong đó sự hứa hôn, sự trong trắng, sự chấp nhận và bảy bước cầu phúc là các yếu tố thiết yếu của một đám cưới. Trong đám cưới, cặp đôi dành nhiều thời gian ngồi trong một gian hàng nhỏ. Cha của cô dâu chính thức dẫn cô dâu đến cho chú rể. Để biểu thị mình đang kết hôn, một số cô dâu sẽ đeo một chiếc nhẫn trên ngón chân bên cạnh ngón cái của mình.

Cô dâu và chú rể trong đám cưới Ấn Độ.
Ảnh: tamdiem.com.vn

Nghi lễ thường bắt đầu bằng việc cô dâu đeo một chiếc vòng mũi, hoặc ở miền Nam Ấn Độ thì cô dâu sẽ đeo vào cổ một chiếc vòng hoa cưới và sau đó, chú rể sẽ rước cô dâu của mình về nhà. Trong đám cưới truyền thống, người nam và người nữ tham gia nghi lễ trong hai phòng khác nhau, điều này thể hiện việc giữ nguyên sự phân biệt giới tính trong thiết lập xã hội. Đám cưới truyền thống sẽ diễn ra tại một ngôi nhà hoặc trong một túp lều nhiều đồ trang trí và hoa. Nếu gia đình của cô dâu giàu có, lễ cưới có thể được tổ chức ở sân nhà của cô dâu. Nếu gia đình không có quá nhiều tiền, lễ cưới sẽ tổ chức ngay trên đường phố gần nhà. Chú rể và người thân, bạn bè của mình theo truyền thống sẽ đi đến ngôi nhà của cô dâu, đi quanh khu dân cư trong đám cưới.

Cô dâu đeo khuyên mũi trong lễ cưới.
Ảnh: phunutoday.vn

Mùa đông là mùa cưới truyền thống ở Ấn Độ nói chung, còn ở thủ đô New Delhi, tháng hai là tháng thường được tổ chức đám cưới.

Ở nhứng khu vực khác, tháng ba là sự lựa chọn ưa thích. Việc chọn ngày tháng làm đám cưới thường được quyết định bởi nhà chiêm tinh, họ đổ trên bảng xếp ngày sinh của cô dâu và chú rể, sau đó chọn ngày, thời gian tốt lành nhất cho cặp đôi. Một số đám cưới thậm chí có thể diễn ra nghi lễ trước cả bình minh.

Bảy bước quanh ngọn lửa thiêng liêng

Nghi thức trung tâm của một đám cưới Hindu ở Ấn Độ là Sapta-pad, hay còn được gọi là “Bảy bước cầu phúc” được các cặp vợ chồng thực hiện xung quanh ngọn lửa thiêng liêng. Các nghi lễ bắt đầu khi các thầy tu tụng kinh, trong khi đó cô dâu và chú rể sẽ ngồi lại gần nhau trong một khu vực tinh khiết được bao bọc bởi một vòng gạo rải xung quanh. Thầy tu sẽ giữ tay phải cô dâu và các cô dâu phải vươn người để tiến đến, chạm vào bàn tay phải của chú rể. Các cặp vợ chồng sau đó sẽ đi bảy bước cùng nhau quanh ngọn lửa thánh. Những hoạt động này tương đương với hình thức trao đổi nhẫn trong lễ cưới Thiên Chúa giáo. Bảy bước chúc phúc này tượng trưng cho mối tình vĩnh cửu và hành trình của cặp vợ chồng đến cuộc sống với nhau sau này.

Nghi thức trước thần lửa trong lễ cưới.
Ảnh: factsanddetails.com

Mỗi chuyến đi quanh ngọn lửa đại diện cho một phước lành, cụ thể là: thực phẩm; sức khỏe; giàu có; hạnh phúc; con cái; gia súc; và sự thành tâm. Sau khi các bước được thực hiện quanh ngọn lửa, cuộc hôn nhân được coi là bất khả xâm phạm và không thể thu hồi vì cặp đôi đã chính thức thề phía trước thần lửa linh thiêng. Đây chính là nét đặc trưng nhất trong lễ cưới của người Ấn Độ.

Author: Cao Nhân (Dịch)

News day