Tổng thống Donald Trump chính thức rút Mỹ khỏi Hiệp định về biến đổi khí hậu
Lu 06/02/2017 01:00 PM
Ngày 1/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định thực hiện cam kết khi vận động tranh cử là rút nước Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, một thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Đây được đánh giá là một hành động đi ngược lại những cố gắng của thế giới trong việc ngăn chặn thay đổi khí hậu, đồng thời khiến nhiều đồng minh nước ngoài không hài lòng.

Được biết, quyết định rút khỏi Thỏa thuận khí hậu của Tổng thống Mỹ là do tác động từ bức thư của 22 Thượng nghị sỹ Cộng hòa, trong đó có lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell. Một buổi thảo luận với các giới chức cao cấp Nhà Trắng về kế hoạch tái thương thảo thỏa thuận này, nhằm mục đích không có các quy định bị coi là khắt khe với các công ty Mỹ, một phần của nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp dầu mỏ và than của ông Trump, cũng được tổ chức cùng ngày.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Trong một cuộc họp báo được tổ chức ở Vườn Hồng, Tổng thống Trump cũng cho biết Mỹ sẽ tìm cách tái thương thuyết để tái gia nhập hiệp ước với các điều kiện tốt hơn. Ông nói: “Kể từ hôm nay, Mỹ sẽ ngưng tất cả các thi hành không bắt buộc của Hiệp ước Paris”. Ông cũng nói thêm, tái thương thuyết để tái gia nhập cũng không phải là một ưu tiên lớn, “nếu chúng ta có thể, nếu chúng ta không thể, thì cũng được”.

Trước đó, ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã kí sắc lệnh hủy bỏ các điều luật liên quan đến biến đổi khí hậu của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, mở đường cho một loạt các chính sách nới lỏng cho các công ty sản xuất Mỹ sau này.

Vào sáng ngày 31/5, Tổng thống Trump tweet trên Twitter cho biết ông sẽ có thông báo chính thức về quyết định của mình “trong vài ngày nữa”. Theo đài CBS, khẳng định ông Trump đã có quyết định khi đó, nhưng chưa thông báo vì Nhà Trắng chưa soạn xong chi tiết về việc rút khỏi thỏa thuận Paris.

Thông tin chi tiết về việc rút Mỹ khỏi Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đang được một nhóm thảo luận, trong đó có ông Scott Pruitt, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA). 

Việc Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận này, giáng một đòn mạnh vào một trong những thành quả mà cựu Tổng thống Barack Obama coi là lớn lao nhất của ông, dự kiến có thể phải kéo dài trong ba năm mới hoàn tất. Động thái này có thể giúp ông Trump nhận được sự ủng hộ ở trong nước, song sẽ làm sâu sắc thêm những bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh.

Trước đó, trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo G7 cuối tháng 5, Tổng thống Trump không đưa ra quyết định có đưa nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận này hay không. Sau cuộc họp thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng cuộc họp này là sự nhắc nhở rõ ràng cho phía châu Âu rằng họ không còn có thể trông cậy vào Mỹ như trước.

Ngay sau khi có thông tin nước Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Paris vào ngày 31/5, châu Âu tuyên bố, nếu Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu thì đó sẽ là điều “gây thất vọng” song nó sẽ không gây ra thảm họa cho nhân loại. Châu Âu, với sự ủng hộ của người dân, đã sẵn sàng đảm nhiệm vai trò dẫn đường cho các nước khác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, như lời Ủy viên Năng lượng của Liên minh châu Âu, ông Maros Sefcovic nói.

Cùng ngày, Canada, Trung Quốc tuyên bố sẽ tôn trọng những cam kết của họ đối với Thỏa thuận này nếu Mỹ rút lui. Cũng trong ngày 31/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có cuộc gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, cả hai nhà lãnh đạo đều khẳng định cam kết của họ trong việc thực hiện thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu mà không đề cập đến Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp Nội các cũng tuyên bố rằng nước này cần chủ động để đảm bảo Thỏa thuận Paris được thực hiện.

Ngày 1/6, ngay lập tức tuyên bố chính thức của Tổng thống Trump được đưa ra, ba quốc gia đồng minh quan trọng của Mỹ ở Châu Âu là Đức, Pháp, và Ý lên tiếng phản ứng qua một thông cáo chung, ba quốc gia này nói rằng Hiệp ước Bảo vệ Môi trường Paris là “không thể tái thương thuyết”.

Tổng thống Donald Trump nói chuyện với các nhà lãnh đạo khác trong khối G7. Ảnh: AP

Thỏa thuận Khí hậu Paris được 196 quốc gia nhất trí thông qua năm 2015, ngoại trừ Nicaragua và Syria không ký, nhằm hạn chế nhiệt độ trái đất tăng, thông qua việc giảm khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Đây từng được coi là thỏa thuận mang tính lịch sử, khi đạt được thỏa thuận với cả hai nước có lượng phát khí thải CO2 cao nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Mặc dù hàng loạt quốc gia lên tiếng sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ thỏa thuận, không bị ảnh hưởng bởi Mỹ, nhưng sự vắng bóng của Mỹ trong thỏa thuận đa quốc gia hàng đầu về môi trường khiến nhiều người quan ngại. Theo thỏa thuận, Mỹ đã cam kết đến năm 2025 giảm 26 - 28% lượng khí thải so với mức của năm 2005.

Sự vắng bóng của Mỹ sẽ khiến các quốc gia khác giảm bớt cam kết thực thi thỏa thuận hoặc thậm chí xin rút, giáng một đòn mạnh vào cái gọi là “ngoại giao khí hậu”.

Tuy nhiên, tuyên bố này cũng đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ trong nước. Tại Mỹ, ít nhất ba thống đốc Dân chủ phản đối quyết định này của Tổng thống, cho rằng họ sẽ không để Mỹ rút ra khỏi hiệp ước này.

“Đây là một hành động điên rồ, sai lầm của người có chức vụ cao nhất của quốc gia”, ông Jerry Brown, Thống đốc California nói. Ông cũng là nghị sĩ phản đối mạnh mẽ quyết định này. Ông cùng với ông Jay Inslee, Thống đốc Washington, và ông Andrew Cuomo, Thống đốc New York, cùng nhau thành lập Liên minh Khí hậu Mỹ để tiếp tục tuân thủ Hiệp ước Paris. Ngoài ra, ông Dan Malloy, Thống đốc Connecticut, và ông Terry McAuliffe, Thống đốc Virginia, cho biết hai tiểu bang này muốn tham gia vào liên minh mới này.

Author: Lu

News day