Tổng thống Mỹ và tầm nhìn mới “Ấn Độ - Thái Bình Dương”
Hoang Phi (Tổng hợp) 11/13/2017 04:30 PM
Phát biểu tại APEC 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập đến sáng kiến về khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương" chứ không phải là "Châu Á - Thái Bình Dương". Đây không phải lần đầu tiên ông nói về ý tưởng này.

 

Theo Politico, khi người Mỹ nói về khu vực bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, họ thường dùng từ “Châu Á – Thái Bình Dương” (Asia - Pacific), cũng là từ xuất hiện trong tên của hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế APEC tại Việt Nam.

Dù vậy, trong suốt chuyến công du châu Á của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ liên tục nói đến “Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Trước đó vài tuần, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng nhắc đến Ấn Độ – Thái Bình Dương trên dưới chục lần tại bài phát biểu ở Ấn Độ.

Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong địa sinh học.
Ảnh: Wikipedia

Cho tới nay, liên kết châu lục về chính trị, kinh tế và thương mại đã được khởi xướng và thực hiện, nhưng liên kết đại dương với nội hàm là bao trùm cả châu lục và đại dương thì mới chỉ được đề cập lẻ tẻ chứ chưa được thực hiện.

Theo Qz, lý do chính đằng sau việc chuyển từ Châu Á – Thái Bình Dương sang Ấn Độ – Thái Bình Dương là tư tưởng nghĩ về Nam Á và Đông Á một cách riêng biệt đã không còn phù hợp. Châu Á – Thái Bình Dương thông thường tập trung vào khu vực từ Triều Tiên đến cực nam của Trung Quốc, còn Ấn Độ – Thái Bình Dương bao gồm một khu vực rộng lớn các nước nằm ở bờ biển Ấn Độ Dương, Đông Nam Á, Australia, Indonesia và New Zealand.

Một khác biệt quan trọng khác của thuật ngữ này là nhấn mạnh Ấn Độ như một cường quốc trong khu vực. Một quan chức tòa Bạch Ốc từng nói: “Chúng tôi nói về Ấn Độ - Thái Bình Dương vì cụm từ này cho thấy tầm quan trọng của sự phát triển của Ấn Độ.”

Bên cạnh đó, thuật ngữ mới khi đề cập đến một khu vực chiến lược rộng lớn hơn cũng được xem là làm cân bằng lại ảnh hưởng của các bên, trong khi với Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc được xem là nhân tố quan trọng nhất.

Theo SCMP, có những suy đoán rằng thuật ngữ liên quan đến việc Washington đang tạo nền tảng cho sự phục hồi của cái gọi là liên minh chiến lược 4 bên bao gồm Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc được coi là trung tâm và cho tới nay, Trung Quốc cũng đã làm gần như tất cả những gì có thể làm được để mọi chuyện ở khu vực hay liên quan đến khu vực luôn xoay quanh Trung Quốc. Vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc hiện rất lớn.

Nhưng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ không còn ảnh hưởng lớn như thế nữa. Trong khu vực ấy, bộ tứ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cả trên đất liền cũng như trên đại dương sẽ không chỉ là đối trọng mà còn là đối thủ đáng gờm hơn trước nhiều đối với những lợi ích chiến lược về mọi phương diện của Trung Quốc.

Tổng thống Trump phát biểu chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tại APEC. Ảnh: cafef.vn

Một chiến lược cho khu vực được xác định lại phạm vi này giúp ông Trump vừa không phải chịu tiếng kế thừa ý tưởng của người tiền nhiệm lại vừa mở rộng lợi ích chiến lược cơ bản của Mỹ ở khu vực. Về quân sự và an ninh, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vốn đã được Mỹ hợp nhất khi chỉ thành lập một bộ chỉ huy quân đội duy nhất cho cả hai vùng châu lục và đại dương.

Mỹ không chỉ có sân chơi mới mà còn có cuộc chơi chính trị quyền lực thế giới mới mà ở đó Mỹ dễ dàng tập hợp được lực lượng, liên kết đồng minh và đối tác để đối phó hay ganh đua, thậm chí cả kiềm chế Trung Quốc khi cần thiết.

Author: Hoang Phi (Tổng hợp)

News day