Ông Ahmed Ali Saleh, con trai của cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh vừa bị sát hại, hôm 5/12 kêu gọi trả thù phong trào vũ trang Houthi, đồng thời hô hào những người ủng hộ người cha đã khuất của mình lấy lại Yemen từ tay nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn.
Liên minh tan vỡ
"Tôi sẽ lãnh đạo cuộc chiến cho tới khi tên Houthi cuối cùng bị đánh đuổi khỏi Yemen… Máu của cha tôi sẽ đày đọa Iran" - kênh al-Ekbariya TV của Arab Saudi dẫn lời ông Ahmed Ali. Người con trai 45 tuổi này của ông Saleh được cho là cơ hội cuối cùng để gia đình cựu lãnh đạo tìm lại ảnh hưởng.
Theo Reuters, cựu Tổng thống Saleh bị sát hại trong cuộc tấn công hôm 4/12, chỉ 2 ngày sau khi ông tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ đồng minh với phiến quân Houthi và bày tỏ muốn "sang trang mới" trong mối quan hệ với liên quân do Arab Saudi dẫn đầu.
Vụ ám sát chấn động do chính Houthi công bố đã khép lại cuộc đời của nhân vật thống trị đời sống chính trị tại Yemen suốt 4 thập kỷ, giữa lúc quốc gia nghèo nhất thế giới Arab này lún sâu vào xung đột và đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Các chuyên gia cho rằng cái chết của cựu Tổng thống Yemen cũng đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc nội chiến kéo dài 3 năm, khiến xung đột có nguy cơ leo thang và bế tắc hơn.
Ông Saleh là Tổng thống Yemen suốt 33 năm, trước khi phải từ chức hồi năm 2012 do phong trào Mùa Xuân Arab, đưa cấp phó vốn thân Arab Saudi là ông Abdu Rabbu Mansour Hadi lên kế nhiệm. Thế nhưng, đến năm 2014, ông Saleh bất ngờ bắt tay với Houthi - nhóm phiến quân mà ông từng 6 lần chiến tranh từ năm 2002 đến 2009 - nhằm giành lại thủ đô Sanaa. Tiếp đó, ông Hadi phải chạy sang Arab Saudi.
Rõ ràng một liên minh khó tin như thế khó lòng tồn tại lâu dài nhưng ít ai đoán rằng nhà lãnh đạo kỳ cựu cuối cùng lại bị đoạt mạng như vậy. Dù trái ngang nhưng khi liên minh này chưa sụp đổ, đôi bên đều có lợi. Ông Saleh lợi dụng nhân lực và hỏa lực của Houthi trong khi nhóm phiến quân tranh thủ mạng lưới tình báo và ảnh hưởng của cựu Tổng thống. Tuy nhiên, sự thèm khát quyền lực - điều khiến ông Saleh bắt tay với Houthi - dường như cũng chính là lý do ông quay lưng lại với nhóm phiến quân này để tìm tới Arab Saudi.
Cơ hội cho Mỹ
Hơn 10.000 người Yemen đã thiệt mạng từ tháng 3/2015 khi liên quân do Arab Saudi dẫn đầu bắt đầu chiến dịch chống lại lực lượng của ông Saleh và phe Houthi. Cuộc xung đột đẩy Yemen đến bờ vực nạn đói diện rộng, được Liên Hiệp Quốc mô tả là khủng hoảng nhân đạo tệ nhất thế giới, đang đe dọa khoảng 7 triệu người. Sau khi ông Saleh bị sát hại, người ta lo ngại tình hình sẽ còn tệ hơn.
Tờ The Washington Post nhận định đúng là một trang mới đã sang nhưng nó được viết bằng máu của ông Saleh và tới đây, có khả năng nhiều người trung thành với nhà lãnh đạo này sẽ nằm xuống. Theo USA Today, các nhà phân tích cho rằng nếu ông Saleh không bị sát hại, sự quay lưng của ông với Houthi sẽ mang lại cơ hội then chốt cho liên quân Arab và đánh dấu bước lùi của Iran.
Cái chết của lãnh đạo này đồng nghĩa với việc nỗ lực chống Houthi sẽ khó khăn hơn và Tehran có cơ hội mở rộng ảnh hưởng trong cuộc nội chiến. Không còn ông Saleh, Houthi sẽ được củng cố, ít nhất là trong ngắn hạn. "Bộ máy của ông Saleh sẽ bị suy yếu nghiêm trọng, giúp Houthi trở thành lực lượng chủ chốt ở Bắc Yemen" - chuyên gia Adam Baron tại Hội đồng châu Âu về đối ngoại nhận định.
Chia sẻ quan điểm rằng cái chết của ông Saleh sẽ làm chiến sự leo thang tại Yemen song chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ Katherine Zimmerman cho rằng đây cũng là cơ hội để Mỹ định hình kết quả cuộc chiến. Một số nhà phân tích nói Washington nên tăng cường ngoại giao và các nỗ lực khác để duy trì sự đối lập của phe ông Saleh với Houthi nhằm làm suy yếu nhóm phiến quân này cũng như ảnh hưởng của Iran. "Chúng ta nên tiếp tục chia rẽ và khiến Houthi rạn nứt hơn nữa" - bà Zimmerman phân tích.
Một phong trào, nhiều số phận Cái chết của cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh hôm 4/12 đánh dấu kết cục bi thảm của một nhà lãnh đạo nữa bị lật đổ trong làn sóng biểu tình của Mùa Xuân Arab. Trước đó, sự kiện này đã lật đổ, dẫn đến cái chết hoặc làm khốn đốn một loạt nhà lãnh đạo tại Tunisia, Ai Cập, Syria và Libya. Phong trào Mùa Xuân Arab bắt đầu vào tháng 12/2010 bằng những cuộc biểu tình chống lại cựu Tổng thống Tunisia Zine el Abidine Ben Ali. Theo trang MWC News, lạm phát tăng cao, nạn thất nghiệp, sự đàn áp của chính phủ và các vấn đề khác đã thổi bùng các cuộc biểu tình khắp nước. Ông Ben Ali từ chức 3 tuần sau khi các cuộc biểu tình bắt đầu và chạy đến Arab Saudi. Cựu Tổng thống Ben Ali và vợ bị kết án vắng mặt 35 năm tù vào tháng 6/2011 vì một loạt tội danh. Từ Tunisia, biểu tình lan sang Ai Cập và khiến Tổng thống Hosni Mubarak từ chức vào tháng 2/2011 sau cuộc đàn áp của quân đội khiến hơn 800 người thiệt mạng. Đến tháng 3/2017, ông Mubarak được tuyên trắng án đối với tất cả tội danh liên quan đến cái chết của những người biểu tình. Hiện cựu Tổng thống 89 tuổi này vẫn ở Ai Cập và sức khỏe không tốt. Cũng vào tháng 2/2011, Libya chìm trong bất ổn với các cuộc biểu tình chống lại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi ở TP Benghazi. Khi đó, ông Gaddafi ra lệnh quân đội đáp trả. Các cuộc biểu tình dẫn đến xung đột vũ trang và sự can thiệp của NATO. Đến tháng 10/2011, ông Gaddafi bị các tay súng sát hại ở thành phố quê nhà Sirte và kể từ đó, Libya chưa thoát khỏi nội chiến. Trong khi đó, cuộc nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu vào tháng 3/2011 và bạo lực nhanh chóng leo thang khi quân đội được triển khai. Ông Assad tiến gần thất bại vào năm 2015 khi các nhóm phiến quân giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Dù vậy, sự can thiệp quân sự của Nga vào tháng 9/2015, cùng với hỗ trợ từ các tay súng phong trào Hezbollah và các nhóm có liên hệ với Iran, đã giúp nhà lãnh đạo Syria đảo ngược tình thế. Xuân Mai |
Libya thời hậu chiến: Hối hận của những người từng…
Tin cộng đồng: Biểu tình tại Đài Loan vụ nam…
Cảnh báo: “Blue Whale Challenge” - trò chơi điện tử…
Nam Hàn: Nhân viên đài truyền hình quốc gia MBC…
13 người mất tích trong hang động ở Thái Lan
Thụy Điển: Biểu tình của những người ủng hộ chủ…
Hàn Quốc khánh thành tượng xin lỗi Việt Nam tại…
Anh: Rác thải nhựa chất đống sau lệnh cấm nhập…
Trung Quốc sơ tán dân chuẩn bị đón siêu bão…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX