Cuộc sống của chúng ta luôn tràn ngập màu sắc. Mọi thứ sẽ thật buồn chán và ảm đạm biết mấy nếu thiếu đi chúng. Bởi vậy từ thời xưa, con người đã dành không ít nỗ lực để tạo ra những gam màu bắt mắt trang trí cho vật dụng hàng ngày.
Ý thích này không sai, chỉ có điều để thỏa mãn nó mà đã vài lần trong quá khứ, chúng ta đã đặt chính mình vào vòng nguy hiểm. Đặc biệt là ở phương Tây, với sự phát triển của ngành nghiên cứu hóa học, màu nhuộm thường được tìm ra và sử dụng rộng rãi ngay cả khi người ta chưa hiểu hoàn toàn về chúng.
Đứng trên góc nhìn của người thời hiện đại, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy bộ 3 màu trắng, xanh lá cây và cam là minh chứng rõ nhất cho điều này. Tại sao lại thế? Hãy cùng ngược dòng lịch sử để tìm ra câu trả lời.
Màu trắng bạc
Từ thế kỉ IV TCN, người Hy Lạp xưa đã biết cách xử lý chì để tạo ra màu trắng ánh bạc rất đẹp.
Đẹp thật, nhưng chì (Pb) được xếp vào một trong các chất nguy hiểm với động vật. Nếu tiếp xúc nhiều, chúng tích tụ trong máu, mô mềm và xương khi xâm nhập vào cơ thể. Khi lan tới hệ thần kinh, chì có thể gây ra nhiều tổn thương bao gồm rối loạn não, rối loạn máu… và nhiều triệu chứng nguy hiểm khác.
Do chưa biết được điều này, màu chì được dùng rộng rãi trong nhiều nền văn hóa, ở nhiều thời đại khác nhau. Đặc biệt là trong giới họa sĩ, màu trắng chì là lựa chọn duy nhất đảm bảo được hai yếu tố đẹp và rẻ.
Để tạo màu, người dùng phải nghiền một khối chì thành bột. Điều này vô tình khiến cho sự phơi nhiễm chì tăng lên gấp bội. Vì tiếp xúc nhiều nhất với bức tranh, những họa sĩ chính là nạn nhân của độc chì. Các triệu chứng nổi bật được ghi nhận là đau bụng, tê liệt, trầm cảm, ho, đồng tử mở rộng và thậm chí mù lòa.
Dù vậy, sự mờ ảo và sắc độ đặc trưng của màu trắng chì đã khiến cho không ít người mê mẩn. Rất nhiều danh họa như Vermeer, Michelangelo Buonarroti, Francisco Goya, Candido Portinari, Vincent Van Gogh… và nhiều họa sĩ trường phái Ấn tượng sau này đã sử dụng chì cho các tác phẩm của mình.
Tới tận năm 1970, màu trắng chì cũng như nhiều vật phẩm khác mới bị cấm, chấm dứt thời kì tự đầu độc đáng sợ này của nhân loại.
Màu xanh lá cây
Đáng sợ là vậy, nhưng nếu so với màu xanh lá cây thì trắng bạc vẫn còn thua xa về độ độc hại đối với con người.
Thế kỷ XVIII, thế giới đánh dấu sự ra đời của hai loại màu tổng hợp là xanh ngọc lục bảo và xanh Paris, từ đó nắm giữ một vị thế vô cùng đặc biệt trên bảng màu nhuộm. Chúng sặc sỡ và đậm hơn nhiều so với những người anh em được tạo ra từ các loại lá cây. Và điều hiển nhiên là chúng xuất hiện gần như ở tất cả mọi nơi: vải vóc, giấy dán tường, đồ trang trí bánh, đồ chơi, xà phòng, kẹo…
Người thời đó cứ sử dụng màu xanh lá cây kia một cách vô tư và chỉ sau đó một thời gian họ mới nhận thấy vài điều bất thường. Vô số công nhân nhà máy dệt thế kỉ XVIII thường xuyên đau yếu, những người phụ nữ mặc váy xanh rất hay bị ngất và rệp giường không bao giờ sống trong căn nhà có tường màu này.
Tất cả các chi tiết này thật rời rạc và khó hiểu cho đến năm 1822, khi công thức của bộ đôi gây sốt kia được công bố thì mọi thứ chính thức được xâu chuỗi và trở nên vô cùng hợp lí.
Hóa ra, bản chất của hai loại thuốc nhuộm này là Axetoasenit đồng. Chất này gây ra các dạng ngộ độc giống như asen (hay còn gọi là thạch tín).
Một khi xâm nhập vào trong cơ thể sống, nó sẽ phá hủy sự liên lạc và ngừng hoạt động sống của tế bào. Chúng cứ âm thầm gây ra một loạt các bệnh nguy hiểm như bệnh tim, ung thư,… mà không một ai hay biết. Độc tính của chúng ghê gớm đến mức chỉ một thế kỉ sau, người ta dùng chất này để pha… thuốc trừ sâu!
Màu cam
Trước Thế chiến thứ 2, các nhà máy sản xuất đồ gốm đã từng sử dụng Uranium oxit trong men sứ để tạo màu. Hợp chất này tạo cho thành phẩm một màu cam độc đáo, vừa sáng bóng, vừa rực rỡ bắt mắt.
Đúng ra, men nhuộm này đã được ghi danh là một trong những sáng tạo đột phá và tuyệt vời nhất trong ngành đồ gốm - nếu không phải vì tính phóng xạ của nó. Hiện tượng phóng xạ là thứ gì đó rất xa lạ với nhân loại cho đến cuối thế kỉ XIX, huống hồ là khả năng gây bệnh của nó lên con người.
Hậu quả của điều này là tất yếu: người ta mắc bệnh ung thư mà mãi vẫn chưa hiểu tại sao mình bị. Phải rất lâu sau này, giới khoa học mới tìm thấy mối liên hệ giữa phóng xạ và căn bệnh quái ác.
Nồng độ phóng xạ trong màu này cao đến mức cho tới tận ngày nay, đồ gốm cam còn lại từ thời xưa vẫn dương tính với phóng xạ.
Tuy rằng nồng độ giờ đã giảm đi rất nhiều, thấp đến mức không còn khả năng gây hại thì hiện nay vẫn chưa ai đủ gan dạ để ăn uống với loại bát đĩa cổ này nữa. Chúng vẫn chỉ được trưng bày trong các bảo tàng mà thôi.
Theo: Ted-ed, The Atlantic, Cracked
Phonagnosia – hội chứng “mù giọng nói” kì lạ
Chảy máu mũi mỗi khi gặp gái xinh - Sự…
Em bé cosplay Vô diện đã trở lại và lợi…
Những chiếc đèn lồng Trung Thu có hình dáng độc…
Lần đầu tiên tạo ra “máu nhân tạo” thành công…
Hé lộ câu chuyện ít người biết về những thiên…
Cách rút tiền độc đáo không bao giờ lo bị…
Chàng trai đi xem phim kinh dị "It" và cái…
Tỉ lệ kết hôn ở Nhật giảm kỉ lục từ…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX