Trung Quốc xâm chiếm đảo Gạc Ma tròn 29 năm
Thanh Trúc 03/14/2017 08:00 AM
Sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin thì Trung Quốc ngang ngược đưa tàu chiến đến ngăn cản, cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ, khiến 64 người hy sinh.

Nỗi đau lại nhói lên trong lòng nhiều người Việt Nam vào những ngày giữa tháng 3 cách đây tròn 29 năm. Đau vì chúng ta mất đi một phần chủ quyền biển đảo của tổ quốc, đau vì chúng ta đã mất đi những người con xả thân hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ nước nhà.

Chúng ta sẽ không quên được những ngày đó, những ngày quân xâm lược quyết tâm, cướp biển, cướp đảo của chúng ta, bất chấp pháp lý, đạo lý của chính mình và của thế giới văn minh tiến bộ. Chúng ta hãy cùng ôn lại sự kiện này để nhận diện đâu là bạn, đâu là thù. Nhắc nhở cho cháu con chúng ta nhớ về những phần đất đã mất của chúng ta. Những phần không thể tách rời mẹ Việt Nam.

Cuối năm 1987 Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến hoạt động ở vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ Quốc phòng Việt Nam chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo Trường Sa, bao gồm việc củng cố, xây dựng thêm các hạng mục công trình chiến đấu, sinh hoạt cho bộ đội.

Ngày 11/3/1988, tàu vận tải HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhổ neo từ Cam Ranh chở theo lính công binh của Trung đoàn 83 và lực lượng giữ đảo của lữ đoàn 146 ra xây dựng cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn) - cách đất liền khoảng 500 km. Đảo chìm Gạc Ma lúc đó chỉ là những bãi san hô nổi lên giữa biển, có tên trong Bản đồ Việt Nam.

Tàu HQ-604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh: Vnexpress

Ngày 12/3/1988, nhận thấy nhiều diễn biến bất thường, Tư lệnh quân chủng điều thêm tàu HQ-605 cùng HQ-604 tăng cường xây dựng đảo Gạc Ma và Len Đao. Tàu HQ-505 đang làm nhiệm vụ trực tại Trường Sa nhận lệnh chuyển đến Cô Lin.

Sau hai ngày đêm, tàu HQ-604 và HQ-605 có mặt tại Gạc Ma vào chiều tối 13/3. Đêm đó, Sở chỉ huy Quân chủng lệnh cho bộ phận giữ đảo quyết tâm phải giữ vững các mục tiêu đã xác định là Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma. Một nhóm chiến sĩ gồm trung úy Trần Văn Phương và 4 đồng chí khác nhận lệnh vào đảo cắm cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền.

Sáng ngày 14/3, tàu Trung Quốc thả xuồng máy chuyển từng tốp lính trang bị AK lên Gạc Ma. Sau một hồi giằng co và uy hiếp tinh thần, cuối cùng thì tiếng đạn nổ chát chúa, lính Trung Quốc dùng AK bắn xối xả vào các chiến sĩ trên đảo.

Cùng lúc, tàu chiến Trung Quốc nã pháo vào tàu HQ-604 tại Gạc Ma, tàu HQ-505 phía đảo Cô Lin cách đó 5 km và HQ-605 phía đảo Len Đao cách 12 km. Vì ở gần, HQ-604 hứng trọn làn đạn 12 ly 7. Khi thấy HQ 604, sau đó HQ 605 chìm hẳn, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ quyết định lao thẳng vào con tàu bị bắn cháy phần đuôi lên bãi cạn Cô Lin, cắm cờ chủ quyền.

Trong trận chiến rạng sáng 14/3, 64 chiến sĩ trên tàu HQ-604 đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông. Việt Nam bảo vệ được Cô Lin và Len Đao.

Các bãi đá như Gạc Ma, Vành Khăn do Trung Quốc chiếm giữ. Ảnh: Zing.vn

Tháng 4/1988, tổ thợ lặn của tàu Đại Lãnh qua khảo sát biết được tàu HQ 605 chìm ở độ sâu 4 m gần bãi đá Len Đao. Việc xác định vị trí của HQ-604 không thể tiến hành do bị quân Trung Quốc liên tục ngăn cản. Hàng chục năm sau, Trung Quốc vẫn không hợp tác để Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên đá Gạc Ma. Ảnh: Zing.vn

Từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc đã chiếm Gạc Ma, xây dựng công trình phi pháp trên phần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.

 

 

 

 

 

Author: Thanh Trúc

News day