Tuyên bố chung từ Đại hội đối thoại dân tộc Syria ở Sochi
CTV Sam Sam (Lương Thu Trang) 02/01/2018 01:30 PM
Các thành viên tham gia Hội nghị hòa bình Syria ở Sochi do Nga tổ chức đã đồng ý thành lập một ủy ban để viết lại hiến pháp của đất nước bị chiến tranh tàn phá trong 7 năm qua.

Đại hội đối thoại dân tộc Syria do Nga bảo trợ đã bế mạc tại Sochi, với tuyên bố cuối cùng về một Syria hoà bình và dân chủ vào ngày 30/1 (giờ địa phương).

Đại hội đối thoại dân tộc Syria đã thông qua 3 văn kiện là Tuyên bố cuối cùng, Lời kêu gọi của các đại biểu và Danh sách Ủy ban soạn thảo Hiến pháp.

Đại hội đối thoại dân tộc Syria ở Sochi do Nga tổ chức, phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Ảnh: Reuters

Kết quả quan trọng nhất là tất cả những người tham dự Đại hội đã nhất trí nội dung tuyên bố 12 điểm cốt lõi của giải pháp Syria mà Liên Hợp Quốc đã nêu ra trước đây. Tuyên bố cuối cùng của Đại hội nêu rõ, Syria phải là một quốc gia dân chủ và không phe phái được xây dựng trên nguyên tắc đa nguyên chính trị và bình đẳng công dân, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc và giới tính.

Tuyên bố nhấn mạnh sự tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Syria, đảm bảo quyền lợi của tất cả các nhóm sắc tộc và tôn giáo, tiến hành quá trình chính trị mà theo đó người dân Syria tự quyết định vận mệnh của mình mà không có sự can thiệp từ bên ngoài và xác định tương lai của đất nước thông qua bầu cử.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura cho biết, các đại biểu tham dự Đại hội 2 ngày ở Sochi đồng ý thành lập ủy ban soạn thảo pháp luật 150 thành viên bao gồm cả quan chức chính phủ và đối lập. Thỏa thuận cuối cùng về ủy ban sẽ đạt được trong tiến trình ngoại giao do Liên Hợp Quốc dẫn đầu ở Geneva dựa trên Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an - cơ chế khung cho việc chuyển đổi chính trị ở Syria.

Khung cảnh bên trong Đại hội. Ảnh: Sputnik

"Trong giai đoạn chuyển tiếp này ở Syria, một ủy ban hiến pháp có thể thành lập bao gồm các thành viên được lựa chọn để đại diện cho tất cả người dân Syria" - bà Alrahibi, phát ngôn viên của Ủy ban Đàm phán Syria (SNC) - nhóm đối lập chính cho biết. "Ủy ban hiến pháp sau đó mới soạn thảo hiến pháp mới, và thông qua sau khi đưa ra trưng cầu dân ý một cách công bằng và minh bạch".

Tuy nhiên, số phận của Tổng thống Bashar al-Assad, một điểm mấu chốt trong nhiều cuộc đàm phán, lại không được nhắc đến trong Tuyên bố cuối cùng ở Sochi.

Đại hội đối thoại dân tộc Syria tại Sochi với những kết quả tích cực của nó là bước đầu thúc đẩy các bên trở lại bàn đàm phán, nhằm tìm ra giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột. Thời gian tới, trên cơ sở kết quả đạt được tại hội nghị Sochi, Astana và Geneva, các bên liên quan sẽ tiếp tục phải đàm phán, thỏa hiệp và nhượng bộ.

Author: CTV Sam Sam (Lương Thu Trang)

News day