United Airlines tăng bồi thường cho hành khách tình nguyện bỏ chỗ, giảm đặt số lượng ghế
Thusy (Tổng hợp) 04/28/2017 10:00 AM
Sau sự cố ép hành khách David Đào ra khỏi máy bay sắp khởi hành, ngày 26/4, hãng hàng không United Airlines của Mỹ cho biết, sẽ trả 10.000 USD cho những hành khách tình nguyện bỏ chỗ trên những chuyến bay quá người ngồi (over book).

Với động thái này, United Airlines dường như muốn chuộc lỗi sau vụ bê bối lôi xềnh xệch bác sĩ gốc Việt David Đào, 69 tuổi xuống máy bay hồi đầu tháng 4/2017. Sự việc khiến bác sĩ Đào bị mất 2 răng cửa và gãy mũi, cũng như là nguyên nhân làm nổ ra các cuộc biểu tình ở sân bay quốc tế Chicago – Mỹ. United Airlines đã bị cuốn vào trận "bão dư luận" sau khi các băng ghi hình của hành khách trên chuyến bay của hãng lan truyền trên mạng. 

Vụ bê bối liên quan tới bác sĩ Đào khiến United Airlines hứng chịu sự chỉ trích trên toàn thế giới. Ảnh: Reuters

Sự cố khiến chủ tịch United Airlines phải lên tiếng xin lỗi, đồng thời công bố các biện pháp để hạn chế những trường hợp tương tự.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 26/4, United Airlines nhấn mạnh tới 10 thay đổi của hãng, trong đó có giảm bớt chuyến bay quá tải và nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Sau vụ bê bối đầy tai tiếng, hãng United Airlines đã đánh giá lại toàn bộ quy trình hoạt động, đưa ra một số điều chỉnh, trong đó cam kết đảm bảo nhân viên phi hành đoàn phải được xếp chỗ trên chuyến bay ít nhất 1 giờ trước khi máy bay cất cánh nhằm tránh tình trạng chuyến bay bị đặt vé quá số ghế.

Trong một thông báo của hãng cho hay: "Mục tiêu của chúng tôi là làm giảm các sự cố liên quan đến việc từ chối bay đến mức gần như bằng không và có thể trở thành một hãng hàng không vì khách hàng hơn".

Hãng hàng không này cho biết họ sẽ trả tới 10.000 USD cho hành khách nào bị hoãn chuyến liên quan tới chính sách “overbooked”.

“Overbooked” là một trong những hình thức tối ưu hóa lợi nhuận của nhiều hãng hàng không trên thế giới, khi các hãng hàng không được phép bán vé nhiều hơn lượng ghế có sẵn trên máy bay. Luật pháp Mỹ cho phép các chuyến bay bán dư số vé từ 0 - 3% so với tổng lượng chỗ ngồi trên máy bay để bù vào số khách không đi.

Cũng trong những tuyên bố sau sự cố bê bối trên, United Airlines cho biết, để xử lý trường hợp quá số lượng, hãng sẽ không gọi lực lượng thực thi pháp luật làm nhiệm vụ từ chối hành khách và khách đã có chỗ ngồi sẽ không phải bỏ chuyến nếu máy bay quá tải.

Máy bay hãng hàng không United Airlines. Ảnh: AP

Giám đốc điều hành Oscar Munoz thông báo thêm về chính sách bồi thường trong trường hợp hành lý bị mất: "United cũng sẽ thông qua chính sách "không đặt câu hỏi" về hành lý bị mất vĩnh viễn, đồng thời thanh toán cho khách hàng 1.500 USD về hành lý bị mất đó, sẽ bắt đầu áp dụng vào tháng 6 tới. Đây là một bước ngoặt lớn cho tất cả chúng ta".

Trước đó, ông Oscar Munoz đã phải đối mặt với lời kêu gọi từ chức do phát ngôn gây sốc về trường hợp hành khách David Đào, làm dấy lên một cuộc tranh luận về thái độ ứng xử của hàng không Mỹ với khách hàng.

Động thái này của United Airlines được đưa ra sau khi đối thủ của hãng là Delta Air Lines tiết lộ kế hoạch sẽ trả 9.950 USD trong những trường hợp tương tự.

Không chỉ United Airlines mà cả hãng hàng không American Airlines cũng ra tuyên bố thay đổi một phần chính sách hoạt động với việc ngừng yêu cầu khách hàng nhường ghế đã đặt trước và rời khỏi máy bay.

Cùng ngày 26/4, United Airlines tiếp tục hứng chịu một vụ lùm xùm khác. Con thỏ khổng lồ tên gọi Simon dài 90 cm bị chết khi nằm trong khoang chứa hàng, trên chuyến bay từ sân bay quốc tế Heathrow, London (Anh) tới sân bay O'Hare ở thành phố Chicago (Mỹ).

Trong sự cố liên quan đến bác sĩ David Đào, ngày 27/4, hãng hàng không United Airlines cho biết đã dàn xếp được với bác sĩ Đào về vụ việc. Ông Demetrio, luật sư đại diện cho bác sĩ Đào khen ngợi United Airlines đã nhận trách nhiệm trong vụ này và đưa ra một số thay đổi trong chính sách, nhằm không để trường hợp tương tự xảy ra. Tuy nhiên, các luật sư của ông Đào từ chối cho biết số tiền United Airlines phải trả để dàn xếp vụ này là bao nhiêu, cùng các điều khoản khác.

Trong một sự cố mới nhất liên quan tới hàng không dân dụng, hãng Delta vừa bị “ném đá” thẳng tay vì buộc một hành khách rời khỏi máy bay do sử dụng toilet trong lúc máy bay đang chờ tại đường băng. Đáng chú ý là máy bay của Delta chờ ở đường băng khá lâu - tới 30 phút - khiến hành khách không "chịu đựng" nổi.

Ông Hamilton (trái) bị đuổi khỏi máy bay hôm 18/4. Ảnh: Youtube/Kay GLR

Hành khách bị đuổi khỏi máy bay của Delta được xác định là ông Kima Hamilton, 39 tuổi, đặt chuyến bay số hiệu 2035 từ thành phố Atlanta đến thành phố Milwaukee (Mỹ) hôm 18/4. Lúc máy bay chờ tại đường băng, ông Hamilton muốn sử dụng nhà vệ sinh nhưng bị thành viên phi hành đoàn từ chối nên ông đành trở lại ghế ngồi.

Tuy nhiên, được một lúc, ông Hamilton không chịu được nên đi tới nhà vệ sinh ở cuối máy bay. Khoảng 1 phút sau, khi hành khách này bước ra, quay lại ghế ngồi và thắt dây an toàn thì một phi công đã tới gần ông Hamilton và thông báo cho máy bay trở về cổng để “loại bỏ một hành khách”.

Author: Thusy (Tổng hợp)

News day