Về với Tết
CTV Cừu Bảo Bảo (Mỹ Uyên) 02/14/2018 07:00 PM
Tết không phải là hương trầm khắp nhà, cũng không phải những bản nhạc xuân mở âm vang, không phải đèn hoa khắp đường, càng không phải bầu trời trong xanh, Tết là trở về với gia đình, dù có tối đen như bầu trời đêm 30 vẫn cảm thấy hạnh phúc ấm áp.

"Dòng thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Khi cái giá rét lạnh lẽo của mùa đông dần dần tan biến, những nụ hoa dần hé nở, cây cối lại được khoác lên mình chiếc áo xanh non quyến rũ báo hiệu một mùa xuân mới tràn đầy sức sống, tươi vui đang tràn về. Tất cả lại cùng đưa tiễn năm cũ và hân hoan, phấn khởi đón chào một năm mới đang đến với mong muốn cho mọi người, mọi nhà đều được sống trong an lành, hạnh phúc. Năm mới đến gắn liền với Tết - cái Tết cổ truyền của dân tộc. Đã bao đời nay, Tết trở thành một lễ hội nằm trong niềm mong đợi và không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Những người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu thì họ vẫn luôn hướng về cội nguồn. Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng trao cho nhau những lời chúc chân thành, ấm áp.”

Tôi đóng lại bài viết trên trang mạng tôi thường xem mỗi ngày khi có thời gian rỗi. Thần người hồi lâu, tôi nhớ về tôi trước kia - đứa con “to xác mà bé suy nghĩ” đã từng cảm thấy thoải mái khi nghĩ đến cảnh đón Tết xa nhà. Qua ô cửa sổ máy bay, mây bồng bềnh khiến tôi có cảm giác thời gian trôi chậm hơn bao giờ hết, quãng đường trở về nhà bỗng chốc xa hơn bao giờ hết.

Có lẽ rất nhiều người thích Tết, tôi cũng (đã từng) thích Tết, cái cảm giác được mẹ sắm cho bộ đồ mới, trong chiếc váy hoa tung tăng khắp xóm trên xóm dưới nhận phong bao lì xì, cảm giác đi đâu cũng có bánh kẹo. Nhưng bây giờ thì không, không biết từ khi nào tôi cảm thấy Tết khá mệt mỏi khi thấy ba mẹ cãi nhau vì những công việc tất bật trong những ngày trước giao thừa, gia đình tôi chỉ thuộc dạng đủ ăn nhưng cứ sáng ngày chuẩn bị đi mua đồ Tết tôi lại nghe lời qua tiếng lại của ba mẹ và dĩ nhiên chưa bao giờ tôi hứng thú nên không hề muốn để tâm. Rất nhiều công việc nhà, những ngày nghỉ Tết cứ nghĩ là sẽ được thoải mái ngủ bù thì phải mở mắt dậy thật sớm dọn hết thứ này đến thứ kia trong nhà, mẹ cũng mệt mỏi mà cằn nhằn nhiều hơn, nhà nhà trong xóm ai ai cũng mở thật to những bài nhạc mùa xuân, rất đau đầu…

Ảnh: brandsvietnam.com

Tết năm nay tôi quyết định ở lại miền Bắc đón cái Tết miền Bắc xa nhà đầu tiên, tôi không biết mọi thứ có tốt hơn không, chỉ là bản thân muốn thử cảm giác mà mình muốn, nghỉ ngơi ngày Tết thật sự. Cuộn tròn trên chiếc giường, ngắm nhìn ánh nắng sớm len qua kí túc xá. Tiếng chuông điện thoại vang lên, tôi nhá nhem chỉ kịp lướt qua dòng chữ “Mẹ” đã bắt máy, tôi nói bằng giọng mũi, tiếng mẹ mang âm sắc đầy lo lắng và buồn rầu, dù giấu kĩ đến đâu thì đối với đứa đam mê môn học “nắm bắt tâm lí đối phương” như tôi thì không khó để nhận ra, mẹ đang rất buồn. Bỗng chốc tôi thấy mũi cay cay, trong lòng dội lên cảm giác muốn về nhà kinh khủng.

Tôi với chiếc áo khoác bông ba mua hôm tôi lên máy bay ra, khoác vào rồi xuống phố. Ra khỏi khu kí túc xá im ắng, đáp lại tôi chính là sự ồn ào nhộn nhịp đặc trưng của cái Tết, xe cộ kẹt khắp các cung đường, sạp hoa đủ màu sắc như tô lên những con đường xám bạc tẻ nhạt của ngày thường sắc màu rạng rỡ, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong cái nắng lung linh, lấp ló qua những chiếc đèn hoa phủ trên đầu chính là bầu trời rất xanh, xanh như cả đất trời đều đang đón Tết, chỉ là không hiểu sao tôi có cái gì đó không vui hứng được như mọi thứ xung quanh, dù không gian xung quanh tôi tràn ngập tiếng nói cười, những bài nhạc xuân mở thật to. Khi đi ngang qua sạp lồng đèn, tự nhiên tôi nhớ đến ở nhà cũng có một cái lồng đèn màu cam mẹ rất thích, là quà Hà Nội của bạn mẹ tặng cho mẹ, chỉ có dịp Tết ba mới lấy ra treo lên trước cửa nhà. Tôi cũng không hiểu sao lại ghé vào mua một cái, đi thẳng về kí túc xá và treo nó lên khung cửa sổ. Rồi dọn dẹp lại căn phòng trước khi vòng ra phố hoa ngắm thêm lần nữa, trước khi quyết định vào siêu thị mua vài món đồ, nhạc trong siêu thị to không kém gì ngoài phố, sự nhộn nhịp lại càng không kém, tôi lựa vài món về chế biến, tự thấy bản thân mình chuyên nghiệp không thua gì các bác đứng cùng hàng. Hóa ra, những ngày tháng mẹ bắt dậy đi chợ Tết cùng mẹ là như thế này. Nhìn những cặp mẹ con tíu tít mua hàng cùng gian mà tôi nhớ cái cảm giác cùng mẹ chen chúc mua từng cọng rau con cá, nhớ lúc đó tôi còn càu nhàu mãi mới chịu đi. Tôi phát hiện mình nhớ mùi Tết, là mùi hương trầm sớm ra ba thắp, thế là tôi ghé mua bó hương trầm. 

Về đến kí túc xá, tôi thắp một nén hương trầm, chẳng phải cúng kính gì, chỉ đơn giản là muốn ngửi mùi hương ấy. Tôi xuống bếp nấu vài món cũng coi như tất niên, kí túc xá này tôi không quen nhiều, ngoại trừ các bạn cùng phòng và vài bạn cùng khoá hiện giờ đều đã về thì chỉ có hai bác bảo vệ, người sẵn sàng mở cổng cho tôi dù quá giờ mỗi tối tôi phải ở lại làm bài thực hành. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ vào trình độ nấu nướng của mình khi đã qua rất nhiều cái Tết được mẹ huấn luyện, một mình tôi nấu vài món khá đơn giản và dư thời gian, nhưng không biết ba mẹ tôi ở nhà phải xoay như thế nào. Tôi nhớ mọi năm tôi đều như con quay, ai sai gì làm đó, chỉ cần ba hoặc mẹ kêu tôi đều có mặt, ba sẽ kêu tôi rửa những lọ hoa và đem bịch đường cho ba, sau đó thì dọn dẹp dao với bao giấy gói hoa, đôi lúc ra bưng phụ ba chậu cây chậu kiểng, mẹ sẽ gọi tôi khi cần những cái tô cái nồi, cắt tỉa rau phụ mẹ, canh chừng nồi thịt kho cho mẹ,...

Tôi chợt nghĩ tới mình đã từng đọc được nguồn tin sẽ bỏ Tết cổ truyền, sẽ không còn những ồn ào nhộn nhịp, sẽ không còn mùi trầm hương chen chúc trong kí ức, sẽ chẳng còn nồi bánh chưng ba mẹ gói nhưng tôi canh lửa và hôm sau mẹ la ba là để tôi thức nguyên đêm một mình. 

Tôi tắt bếp, ánh chiều nhuốm vàng cả căn phòng, tôi sẽ mời bác bảo vệ lên ăn tất niên, chắc bác ấy rất nhớ nhà. Phòng bác bảo vệ nằm ngay cổng chính, đi khá xa, bác đang xem giới thiệu chương trình Táo quân, hình ảnh các nghệ sĩ thân thuộc như năm nào cũng đón Tết với gia đình chúng tôi, họ luôn khiến chúng tôi cười từ cuối năm cũ sang đầu năm mới, hình ảnh dễ thương năm nào cũng xuất hiện của Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng hay các Táo đã ăn sâu vào trong tâm trí của tôi từ những ngày còn rất bé, tôi đã từng tưởng rằng Bắc Đẩu do nghệ sĩ Công Lý thủ vai là nữ thật. Cảm giác háo hức đón chờ trước giờ vàng dường như đã là thói quen, sẽ rất buồn và thiếu sót khi Tết mà vắng Táo quân.

Ảnh: media.lamsao.com

Bác bảo vệ hỏi thăm tại sao tôi không về nhà, rồi không cần nghe câu trả lời bác ấy đã kể bác không có gia đình, chính xác là gia đình bác đã vì một khắc ham vui quá chén của bác mà ra đi mãi mãi, bác bảo đó là điều khiến bác hối hận cả đời và cũng là lí do để bác chọn công việc bảo vệ này, bác tự trách bác đã quá ích kỉ, dù sao cũng phải ráng sống tốt vì bác biết cảm giác bác đang mang trong mình chính là hình phạt lớn nhất mà ông trời dành cho bác. Trước khi chào tạm biệt tôi bác còn nhắn gửi: "Tết chính là trở về với gia đình, dù có như thế nào thì gia đình cũng là trên hết".

Tôi tức tốc dọn đồ ra sân bay, đặt chuyến sớm nhất trở về nhà. Cho dù có tiếng cằn nhằn của mẹ, ba mẹ không nhẹ nhàng trong việc trao đổi chuyện chi tiêu trong gia đình thì vẫn hơn ai hết, họ muốn chúng tôi cùng nhau trải qua cái Tết ấm no đủ đầy nhất.

Vừa về tới ngõ, tiếng của vài đứa con nít trong xóm đã vọng lại, nhà ai cũng sáng đèn, qua căn nào chiếu ra cũng là hình ảnh Táo quân đang phát. Vừa bước chân vào cửa nhà, tôi thấy ba mẹ chạy ra, ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao về, không phải nói là ở lại ngoài đó sao? 

Tôi nhìn ba mẹ, kìm mãi mới ngăn bản thân bật khóc, tôi nghe thấy mùi hương trầm ba thắp, mùi đồ ăn mẹ nấu cúng Tết, mùi của căn nhà thân yêu, mùi của niềm vui và sự hạnh phúc, hương bánh như gói gọn tất cả yêu thương. Chợt tôi phát hiện đây là không khí của Tết. 

Tết không phải là hương trầm khắp nhà, cũng không phải những bản nhạc xuân âm vang, cũng không phải đèn hoa khắp đường, càng không phải bầu trời trong xanh, Tết là trở về với gia đình, dù có tối đen như bầu trời đêm 30 vẫn cảm thấy hạnh phúc, ấm áp.

 

Author: CTV Cừu Bảo Bảo (Mỹ Uyên)

News day