Bất chấp những nỗ lực của chính phủ, Venezuela đang tiến gần hơn đến khủng hoảng khi bỏ lỡ nhiều lần thanh toán lãi vay của khoản nợ hơn 60 tỷ USD quốc tế.
Vào ngày 13/11 vừa qua, chính phủ Venezuela lỡ hạn trả lãi vay trị giá 200 triệu USD từ 2 khoản trái phiếu chính phủ, qua đó bị S&P tuyên bố chính thức vỡ nợ với 2 khoản trái phiếu này. Trước đó, nước này đã lỡ khoản thanh toán lãi vay 420 triệu USD từ khoản nợ của công ty dầu khí quốc doanh PDVSA.
Sau cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2014, Venezuela đã gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ nần lâu hơn so với dự đoán của các nhà đầu tư. Cách đây 2 tuần, Tổng thống Nicolas Maduro cuối cùng đã phải thừa nhận thất bại trong việc thanh toán các khoản vay quốc tế và tuyên bố đất nước cần tái cơ cấu lại các khoản tín dụng này.
Hiện tổng cộng Venezuela cần phải thanh toán các khoản nợ và lãi vay lên đến 150 tỷ USD và đây sẽ là một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử. Năm 2012, Hy Lạp đã từng vỡ nợ và phải tái cơ cấu các khoản tín dụng trị giá hơn 200 tỷ Euro.
Trước thông tin Venezuela vỡ nợ, trái phiếu của nước này đang rớt giá thảm hại và chỉ được tính bằng cent. Giá trái phiếu đáo hạn vào tháng 10 năm 2018 với tổng trị giá 2,5 tỷ USD của nước này, vốn đã mất khả năng thanh toán do chính phủ lỡ hẹn thanh toán lãi, đã mất 1/5 giá trị và giao dịch ở mức 25,7 cent.
Áp lực đang ngày một gia tăng lên chính phủ Venezuela trước những thách thức về tài chính cũng như lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU) vì cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Thậm chí, một số nước Châu Mỹ Latinh đã kêu gọi quốc tế gia tăng những biện pháp trừng phạt như cấm du lịch hay đóng băng tài sản hoặc cấm nhập khẩu dầu mỏ nhằm lên Venezuela nhưng dường như chính phủ nước này không quan tâm lắm đến dư luận quốc tế.
Tổng thống Maduro gọi lệnh cấm vận của EU với nước này là “ngu ngốc”. Trong khi đó, Phó tổng thống Tareck El Aissami, người chủ trì cuộc họp với các chủ nợ hôm 13/11 vừa qua không hề đề cập chi tiết gì đến việc tái cơ cấu nợ cũng như làm thế nào để thanh toán cho nhà đầu tư. Nhiều chủ nợ mặc dù đã được thông báo về buổi họp này nhưng từ chối đến vì đã dự đoán trước được tình hình.
Tuy nhiên, tuyên bố chính thức sau hội nghị lại cho rằng cuộc đàm phán với chủ nợ ngày 13/11 đã “thành công vang dội”.
Hiện chính quyền Caracas đang kỳ vọng vào những khoản cứu trợ của Nga sau khi 2 nước có thỏa thuận tái cơ cấu nợ (đảo nợ) trị giá 3 tỷ USD vào ngày 15/11.
Dẫu vậy, Giám đốc tài chính Pavel Federov của Rosneft, công ty đã từng cho Venezuela vay 6 tỷ USD, cho biết tại thời điểm hiện nay, hãng không có kế hoạch cho vay thêm bất kỳ khoản tiền nào với Venezuela.
Giải pháp từ phe đối lập
Hiện nhiều chủ nợ đang hy vọng chính phủ và phe đối lập có thể đạt được thỏa thuận chính trị nhằm giải quyết tình hình nợ nần của đất nước.
Trước đó, phe đối lập đã rút khỏi các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày 15/11 tại Cộng hòa Dominican với chính quyền Caracas do thiếu các chủ nợ nước ngoài tham dự, nhưng nhiều khả năng những cuộc đàm phán như vậy sẽ còn được tổ chức trong tương lai.
Mặc dù yếu thế hơn nhưng phe đối lập lại đang nắm trong tay thẻ bài tài chính. Bất kỳ việc tái cấu trúc nợ (đảo nợ) nào cũng cần được quốc tế công nhận và điều kiện tiên quyết để các chủ nợ nước ngoài chấp nhận là kế hoạch này cần được Quốc hội, chiếm đa số bởi phe đối lập, thông qua.
Hiện Tổng thống Maduro đang nắm quyền lực đất nước thông qua một Hội đồng lập hiến đầy quyền lực.
Chuyên gia kinh tế Francisco Rodriguez của tờ El Universal nhận định chính phủ và phe đối lập nên ngồi vào bàn đàm phán nhằm thực hiện tái cơ cấu nợ cho Venezuela thay vì tiếp tục mâu thuẫn như hiện nay.
Tuần trước, Mỹ cho biết sẽ xem xét cho phép các ngân hàng và tổ chức tài chính giải quyết những khoản nợ của Venezuela nếu Quốc hội nước này thông qua được một kế hoạch đảo nợ hợp lý.
Đồng quan điểm trên, EU và những nước Châu Mỹ Latinh lớn đều bày tỏ chỉ chấp nhận những quyết định của Quốc hội Venezuela, bao gồm việc tái cơ cấu nợ.
Theo lý thuyết, việc tuyên bố vỡ nợ có thể giúp Tổng thống Maduro không phải trả khoản thanh toán 1,6 tỷ USD trong năm nay nhưng chúng khiến các hàng hóa, dầu mỏ của nước này khó xuất khẩu do bị các chủ nợ thu giữ. Điều này chỉ khiến tình hình kinh tế, xã hội ở đây tồi tệ hơn do người dân đang phải chịu tình cảnh suy dinh dưỡng và bệnh tật do không tìm thấy nguồn cung lương thực hay thuốc men.
Trước tình hình khó khăn như vậy, Nga và Trung Quốc được dự đoán sẽ giúp đỡ phần nào cho Venezuela. Ngày 15/11 vừa qua, cả Nga và Trung Quốc cùng nhiều đồng minh khác đã tẩy chay một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc mà trong đó, Mỹ gọi Venezuela là một quốc gia bạo lực đe dọa thế giới.
Theo: Thời Đại
Tổng thống Mỹ và tầm nhìn mới “Ấn Độ -…
Mô hình bán lẻ 'thần thánh' của Costco đã đánh…
Abbott đồng ý mua lại Alere với mức giá thấp…
McDonald’s đóng cửa hơn 169 nhà hàng tại Ấn Độ
Ikea đặt Việt Nam vào tầm ngắm
Năm 2020: Liệu kinh tế Mỹ có suy thoái như…
‘Đòn thương mại' mới nhất của ông Trump khiến hàng…
Kinh tế thế giới 2017 tác động ra sao đến…
Thứ kim loại nào đang được săn lùng hơn cả…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX