Cách đây đúng hai tháng, phóng viên Darren Tulett của Guardian đến Paris gặp Wenger, thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền đầu tiên sau khi ông rời Arsenal. Hôm ấy, Wenger còn… chưa hết sốc. Ông nói: "Tôi vẫn chưa thu dọn bàn làm việc của mình tại Arsenal. Tôi để cho mình thư thả đến 14/6, ngày khởi tranh World Cup, để ra quyết định về tương lai. Tôi cần phải trả lời cho chính bản thân mình: Tôi còn muốn làm huấn luyện viên (HLV) không, hay sẽ làm một công việc khác?".
Bây giờ, World Cup đã kết thúc, và có lẽ như Wenger vẫn mắc kẹt trong những câu hỏi của bản thân. Ông không ngừng làm việc suốt 34 năm, kể từ khi trở thành HLV của Nancy năm 1984. Và bây giờ, hai tháng đã trôi qua, và Wenger chợt cảm thấy hoang mang khi nhìn về tương lai. Đấy là vì ông vẫn chưa thoát khỏi quá khứ, một quá khứ mà vì bảo vệ cái tôi của bản thân, Wenger đã vô tình làm tổn thương những người mà ông yêu quý nhất.
Trên đài phát thanh RTL, Wenger trải lòng: "Tôi nhận ra mình đã gây ra thương tổn cho nhiều người. Tôi đã chối bỏ gia đình mình, chối bỏ những người thân yêu nhất. Thẳm sâu trong lòng tôi là một gã ích kỷ và ám ảnh, chỉ chạy theo những điều nó yêu quý và bỏ mặc tất cả những thứ khác".
Suốt hai tháng qua, có lẽ Wenger vừa đóng vai trò một cha xứ, đồng thời là một con chiên đi xưng tội. Mấy chục năm làm việc không ngừng khiến Wenger không có bạn thân, không có những người tri kỷ thực sự để giãi bày. Và ông chỉ có một lựa chọn: Trò chuyện với chính mình. Thế nên, khi được hỏi đâu là lầm lỗi lớn nhất trong đời, Wenger đã nói: "Có lẽ là việc tôi đã ở lại một câu lạc bộ (CLB) suốt 22 năm. Tôi là một người thích xê dịch, di chuyển đến những nơi mới mẻ, nhưng tôi đồng thời cũng thích những thử thách. Và tôi đã trở thành tù nhân cho những thử thách mà mình tự đặt ra".
Cuộc đời của Wenger không thể tách rời khỏi bóng đá và tôn giáo. “Giáo sư” bảo ông ước mơ có một đêm, nằm ngủ và được gặp… Thánh Moses, rồi cùng thảo luận về Mười điều răn của Chúa. Với ông, bóng đá cũng chính là một nhánh của tôn giáo. Ông yêu Bob Marley, không bia rượu nhưng cuồng bánh ngọt. Nhà ông không có nhiều nội thất, nhưng lại chất hàng đống băng, đĩa video. Trong một lần đi thử DNA lúc còn trẻ, kết quả cho thấy ông có gene nghiện ngập ở trong người. Tức là ông đã thích cái gì, thì mê cuồng thứ ấy.
Thứ Wenger mê cuồng, ai cũng biết, chính là bóng đá. Ông tự xây những nhà tù và nhốt bản thân vào đó. Đầu những năm 2000, trong đầu Wenger chỉ có một ước mơ: Vô địch mà không thua một trận đấu nào. Năm 2002, Wenger bộc bạch điều này với truyền thông, và ông đã bị mô tả là “một gã kiêu ngạo”.
Cuối mùa giải năm ấy, Arsenal mất chức vô địch về tay Man Utd. Wenger nói: "Kết thúc mùa 2002 - 2003, tôi hỏi các cầu thủ của mình tại sao Arsenal lại không vô địch. Họ nói: 'Đó là lỗi của ông'. Tôi hỏi tại sao, họ nói: 'Vì ông khiến chúng tôi chịu nhiều áp lực quá".
Dennis Bergkamp, trong cuốn tự truyện, đã mô tả việc thi đấu cho Wenger là “một cổ nhiều tròng”. Danh thủ Hà Lan viết: “Wenger vừa muốn vô địch, vừa muốn phải đá đẹp, phải giữ tinh thần hiệp sĩ, phải cống hiến, phải duy mỹ. Tôi thích điều đó, nhưng số đông lại không được như thế”.
Arsenal thua Man Utd trong cuộc đua mùa 2002 - 2003, nhưng Wenger đã cấy vào đầu các cầu thủ tư tưởng "bất bại". Và mùa giải tiếp theo, Arsenal đã làm được kỳ tích ấy. Họ vô địch với thành tích thắng 26 trận, hòa 12 trận và không thua trận nào. Nhưng không phải cầu thủ nào cũng cảm thấy hạnh phúc khi bị nhồi vào đầu tư tưởng “bất bại” ấy. Ray Parlour từng nói: "Wenger biến mỗi trận đấu thành một trận chung kết. Mùa ấy, chúng tôi đã phải đá 38 trận chung kết".
Wenger nếm trải nỗi ám ảnh về bóng đá, và ông bất giác không muốn các học trò của mình phải trải qua những căng thẳng như mình. Ông nói: "Tôi vẫn hay được hỏi Thierry Henry và Patrick Vieira liệu có thể trở thành những HLV giỏi không. Câu trả lời của tôi luôn là có. Họ có tố chất, họ thông minh, thấu hiểu bóng đá và có kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao. Nhưng tôi luôn tự đặt câu hỏi: Liệu họ có sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình không? Làm một HLV, bóng đá sẽ chiếm hết tâm trí, sẽ quần nát đầu óc từ sáng đến chiều. Làm một HLV, bạn sẽ phải làm việc với 25 cầu thủ, và sẽ phải nhìn 14 cầu thủ thất nghiệp mỗi thứ bảy hoặc thứ ba. Bạn có vượt qua được nỗi dằn vặt ấy không?".
Chính vì điều này mà cách đây hai năm, khi Henry xin làm HLV của đội trẻ, Wenger đã lạnh lùng từ chối. Henry sau đó mới nhận lời làm trợ lý cho HLV đội tuyển Bỉ là Roberto Martinez. Wenger từ chối Henry, người học trò xuất sắc của ông, không phải vì anh không có năng lực, mà vì Wenger lo Henry sẽ sa chân vào cái địa ngục mà ông đã trải qua.
Bây giờ, hai tháng sau khi bước chân ra khỏi địa ngục ấy, Wenger vẫn đang tần ngần trước tương lai. Ông không biết có nên trở lại công việc huấn luyện nữa hay không. Nếu có, Wenger biết ông sẽ lại làm tổn thương nhiều người bởi sự ám ảnh với cái đẹp của mình. Trong số những người mà Wenger gây tổn thương, có một ông già 68 tuổi, lòng vẫn đang ngập tràn hối hận vì mấy chục năm miệt mài làm việc chỉ mang lại một kết thúc chua chát. Người ấy là chính Wenger. "Tôi thực lòng muốn gửi lời xin lỗi đến tất cả những người đã chịu đựng tôi khi tôi còn làm HLV. Không chỉ những cầu thủ mà cả các trợ lý, các nhân viên", Wenger nói.
Tri kỷ lớn nhất của Wenger là... Wenger. Và chỉ hai tháng sau khi thoát khỏi nhà ngục tự xây, ta biết ông đang tần ngần trước một quãng thời gian tù ngục khác. Trong những ngày tháng dõi theo Unai Emery, liệu có một fan của Arsenal nào tự hỏi xem Wenger đang làm gì, nghĩ gì, và dằn vặt những gì không?
Ethan Ampadu - tương lai mới của Chelsea
Ricardo Kaká: Và Chúa đã tạo ra một thiên thần…
Ricardo Kaká: Và chúa đã tạo ra một thiên thần…
Marco Reus: Chàng “Hoàng tử” vùng Ruhr với cái gót…
Mohamed Salah: Cậu bé mít ướt giờ đã là Pharaoh…
Tinh thần Đức ở Liverpool
“Gã hói Zidane chỉ là tay mơ được mùa?”
John Terry và bản giao hưởng dang dở Stamford Bridge
Marcelo: Nụ cười hiền xua đi nỗi nhớ Roberto Carlos…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX