World Cup và câu chuyện về những bảng đấu tử thần
Trần Minh Tuấn 06/05/2018 03:30 PM
Ở mỗi kỳ World Cup, bên cạnh những ứng viên sáng giá cho ngôi vô địch, những màn đọ tài giữa các siêu sao thì người hâm mộ cũng rất quan tâm tới các bảng đấu tử thần – nơi mang tới những trận cầu hấp dẫn và đầy bất ngờ.

“Bảng tử thần” là cụm từ mà giới chuyên môn dùng để chỉ những bảng đấu có các đội bóng mạnh ngang ngửa nhau và phải cạnh tranh quyết liệt nhằm có vé đi tiếp. Trong lịch sử các kỳ World Cup, đã không ít lần người hâm mộ được chứng kiến bảng tử thần xuất hiện, bắt đầu từ năm 1982.

World Cup 1982: Argentina, Brazil, Italia

Thời điểm này, cúp thế giới đã có 4 bảng đấu song mỗi bảng chỉ có 3 đội. Đặc biệt, 2 đại diện cùng khu vực Nam Mỹ vẫn có thể nằm chung bảng không như hiện tại. Trong 3 đội bóng, sẽ chỉ lấy đội nhất tiến vào vòng bán kết.

Ảnh: Dân Việt

Và trong bảng C tử thần năm ấy, Italia là đội tuyển bản lĩnh hơn cả. Họ đánh bại nhà đương kim vô địch (ĐKVĐ) Argentina 2-1 trước khi hạ gục những vũ công Samba 3-2 để hiên ngang có mặt ở vòng đấu dành cho 4 đội mạnh nhất. The Azzurri với phong độ ghi bàn hủy diệt của Paolo Rossi đã đánh bại Ba Lan ở bán kết trước khi khiến Tây Đức thành bại tướng ở trận đấu cuối cùng để lên ngôi vô địch.

World Cup 1994: Italia, Mexico, Cộng Hòa Ai Len, Na Uy

Ảnh: Dân Việt

Đội bóng áo thiên thanh thêm một lần góp mặt trong bảng đấu tử thần. Lần này, họ nằm chung bảng với Mexico, CH Ai Len và Na uy tại bảng E World Cup 1994. Năm ấy, Mexico với bộ đôi huyền thoại Hugo Sanchez và Luis Garcia trong đội hình đã kết thúc vòng bảng với ngôi đầu cùng số bàn thắng nhiều nhất, trong khi Italia nối gót tiến vào vòng tiếp theo. Dẫu vậy, The Azzurri đã tiến tới trận chung kết song đáng tiếc, họ thất bại trước Brazil trên chấm phạt đền.

World Cup 2006: Argentina, Hà Lan, Bờ Biển Ngà, Serbia – Montenegro

4 đội bóng này tạo nên bảng C tử thần ở kỳ World Cup trên đất Đức. Thời điểm đó, Hà Lan vừa đi tới bán kết Euro 2004, Bờ Biển Ngà là nhà vô địch châu Phi, Serbia – Montenegro cũng có trong đội hình 2 ngôi sao sáng giá: Dejan Stankovic và Savo Milosevic, còn Argentina là tập thể tương đối đồng đều với nhạc trưởng Juan Roman Riquelme cùng tài năng trẻ Lionel Messi.

Ảnh: Dân Việt

Kết quả, Argentina và Hà Lan là những đội bóng giành quyền đi tiếp khi cùng có được 7 điểm. Tuy nhiên, Cơn lốc màu da cam chỉ đi tới vòng 1/16 khi thua Bồ Đào Nha còn đội bóng xứ Tango dừng bước tại tứ kết khi thất bại trước chủ nhà Đức.

World Cup 2014: Tây Ban Nha, Hà Lan, Chile, Australia

Ở kỳ World Cup gần nhất, không có gì ngạc nhiên khi bảng B trở thành bảng đấu tử thần. Đó là khi nhà ĐKVĐ Tây Ban Nha và á quân Hà Lan kết hợp cùng 2 đại diện ưu tú là Chile và Australia. Kết quả, La Roja trở thành cái tên gây thất vọng hơn cả khi thất bại 1-5 trước Oranje và 0-2 trước Chile và dừng bước ngay từ vòng bảng. Hà Lan cùng đại diện Nam Mỹ tiến vào vòng tiếp theo.

Ảnh: Dân Việt

Cũng ở giải đấu năm ấy, một bảng tử thần khác xuất hiện với sự hiện diện của Anh, Italia, Uruguay và Costa Rica. Và đó là khi, người ta được chứng kiến bất ngờ tiếp nối bất ngờ. Costa Rica – Từ thân phận của kẻ “lót đường” bất bại trước các đối thủ và xuất sắc có được ngôi nhất bảng. Uruguay là đội bóng còn lại ở bảng D đi tiếp trong khi Anh và Italia về nước.

World Cup 2018: Tử thần gọi tên ai?

Ảnh: 24h

Ở World Cup năm nay, nếu phải chọn ra một bảng đấu tử thần thì đó chỉ có thể là bảng D, nơi mà Argentina, Croatia, Iceland và Nigeria sẽ cạnh tranh cho 2 suất đi tiếp. Trong khi Albiceleste là á quân thế giới và sở hữu siêu sao Lionel Messi thì Croatia cũng đang có trong đội hình những tiền vệ xuất sắc đã tạo nên tên tuổi ở châu Âu như: Ivan Rakitic, Luka Modric hay Perisic. Iceland - Dù mới có lần đầu tiên tham dự cúp thế giới song với những gì họ làm được tại Euro 2 năm về trước, sẽ chẳng ai có thể coi thường đội bóng này, còn Nigeria là một trong những đại diện xuất sắc nhất của bóng đá châu Phi.

Argentina và Croatia có thể được đánh giá cao hơn so với 2 đối thủ còn lại song chắc chắn, họ cũng sẽ không thể chủ quan bởi tinh thần thi đấu hết mình và lối chơi quyết tâm là thứ vũ khí tiềm tàng giúp Icelad hay Nigeria tạo nên bất ngờ.

Bạn đang đọc báo người Việt tại Mỹ - Vinacircle. Mọi đóng góp về nội dung xin gửi về địa chỉ email: content@vinacircle.com. Xin cảm ơn!

Author: Trần Minh Tuấn

News day