Xả súng tại Las Vegas: Những chi tiết giờ mới kể
Khôi Nguyên 10/04/2017 07:00 AM
Hơn một thập kỉ qua, nước Mỹ đã chứng kiến hàng chục vụ xả súng kinh hoàng khiến nhiều người vô tội phải bỏ mạng oan uổng, nhưng sự việc vừa xảy ra tại lễ hội âm nhạc Route 91 Harvest, Las Vegas, Mỹ vào lúc 22h30 ngày 1/10 (theo giờ địa phương) mới chính là đòn giáng kinh hoàng nhất mà những kẻ khủng bố máu lạnh trút xuống quốc gia này.

Vụ tấn công vào lễ hội âm nhạc Route 91 Harvest đã khiến hơn 50 người thiệt mạng và 500 người bị thương. Con số này được dự đoán sẽ còn tăng cao trong những giờ tới.

Hung thủ Stephen Paddock. Ảnh: Twitter

Khi ập vào căn phòng trên tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay, cảnh sát phát hiện thi thể của Stephen Paddock, kẻ sát nhân đã liên tục nã đạn vào đám đông tại một nơi nằm đối diện khu vực tổ chức, bên cạnh ít nhất 23 khẩu súng và hàng trăm băng đạn.

Sau những chấn động đầu tiên về sự tàn ác của kẻ sát nhân và thiệt hại kinh hoàng về nhân mạng, người ta bắt đầu đi tìm lời giải cho hành động tàn nhẫn của y, cũng như nhìn nhận lại vụ xả súng kinh hoàng này. Vụ xả súng đánh dấu sự thay đổi lớn so với hầu hết các vụ xả súng ở Mỹ bởi hai yếu tố: Số lượng vũ khí mà thủ phạm mang tới, và nơi tên này thực hiện vụ tấn công là tại tầng cao khu vực đối diện thay vì lọt vào đám đông để bắn ở cự ly gần. 

Paddock đã sở hữu hợp pháp hơn 24 khẩu súng, và đã đưa ít nhất 23 khẩu súng và hàng nghìn viên đạn vào một khách sạn tại trung tâm Las Vegas mà không gặp sự cản trở của lực lượng an ninh. Chính y cũng có thể đã tìm cách biến các khẩu súng này thành vũ khí tự động.

Với 17 khẩu súng hỏa lực mạnh, trong đó có khẩu súng AK-47 đã được "chế lại", Paddock - 64 tuổi, đã đập vỡ cửa sổ từ phòng khách sạn của mình ở tầng 32 rồi xả đạn xuống khoảng 20.000 người đang xem đại nhạc hội ở đại lộ bên dưới.

Chỉ trong 15 phút, Paddock đã giết chết 59 người và làm 527 người khác bị thương - theo con số tính đến lúc này do cảnh sát địa phương cung cấp.

Các nhà điều tra đang xác định xem có phải hung thủ đã chỉnh sửa lại để súng có thể bắn nguyên cả băng đạn chỉ với 1 lần bóp cò, theo Cảnh sát trưởng Las Vegas, ông Joseph Lombardo.

Sơ đồ hiện trường nơi diễn ra vụ xả súng. Ảnh: New York Times

Nếu Paddock lắp thêm các chi tiết máy vào khẩu AK-47 để súng bắn tự động thì đó là hành vi trái phép, nhưng sẽ vẫn hợp pháp nếu ông ta chỉ sử dụng một cần quay - với giá chỉ khoảng 40 USD - có thể tháo lắp bên ngoài súng và giúp bóp cò nhanh hơn. Các đoạn video ghi lại vụ xả súng cho thấy giả thuyết Paddock sử dụng ít nhất một súng trường tự động hoàn toàn là có cơ sở. Nếu điều này là đúng, đây có thể là lần đầu tiên một vũ khí tự động được dùng để giết người hàng loạt trong một vụ tấn công tại Mỹ.

Vũ khí tự động đã bị cấm tại Mỹ từ năm 1986, sau khi Quốc hội nước này thông qua Luật bảo vệ người sở hữu vũ khí, trừ các vũ khí loại này được sản xuất từ trước năm 1986 nếu chủ sở hữu đáp ứng quy định chặt chẽ về kiểm tra và đăng ký.

Vào năm 2016, Cục phòng chống Rượu, Thuốc lá, Súng đạn và Thuốc nổ (ATF) đưa ra thống kê cho thấy có đến 490.664 vũ khí tự động được đăng ký trong dữ liệu chính phủ.

Vụ xả súng đẫm máu tại lễ hội âm nhạc ở Las Vegas. Ảnh: Getty Images

Thiên đường của súng đạn và các giá của địa ngục

Theo Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA), Nevada, nơi Stephen Paddock sinh sống, là tiểu bang có luật kiểm soát súng lỏng lẻo nhất nước Mỹ khi người dân không cần giấy phép khi mua súng trường, súng săn hay súng lục. 

Trong khi tại nhiều bang khác của Mỹ, súng máy và các thiết bị giảm thanh bị cấm, thì tại Nevada, chúng được mua bán hợp pháp cũng như tiểu bang này không giới hạn số khẩu súng, số băng đạn và số viên đạn mỗi băng mà khách hàng có thể mua. 

Một công dân Mỹ với lý lịch trong sạch, không có tiền sự và các giấy tờ hợp lệ như sở hữu giấy phép săn bắn hợp pháp của bang Nevada thì mua số lượng lớn vũ khí không phải là một dấu hiệu bất thường đủ để gây chú ý tại Nevada.

Việc sở hữu súng đạn hợp pháp trong những năm qua vẫn luôn là đề tài tranh luận của nước Mỹ. Với vụ xả súng kinh hoàng vừa qua, hay những vụ xả súng như tại hộp đêm ở Orlando làm 49 người thiệt mạng, 52 người bị thương hay vụ thảm sát tại trường Tiểu học Sandy Hook (26 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em),... sẽ mãi là mặt trái của những nỗi đau bên cạnh sự tự do súng đạn ở xứ sở cờ hoa này.

Ngày 2/10, chính phủ Mỹ thông báo còn quá sớm để thảo luận về chính sách kiểm soát súng đạn dù người phát ngôn Toà Bạch Ốc Sarah Sanders khẳng định “sẽ có thời gian và địa điểm cho một cuộc tranh luận chính trị nhưng bây giờ là thời điểm để đất nước thể hiện sự đoàn kết”.

Nhiều người đứng đợi hàng giờ liên tục. Ảnh: Shanda/Twitter

Người Mỹ đã và đang thể hiện tinh thần đoàn kết và lòng tốt sau những vụ tấn công tồi tệ xảy ra với đất nước này thời gian gần đây. Hồi cuối tháng 6 năm ngoái, hàng trăm người ở trung tâm Florida đã xếp hàng hiến máu để giúp đỡ các nạn nhân bị thương trong vụ xả súng man rợ ở hộp đêm Pulse tại Orlando. Và trong vụ xả súng mới nhất này, người ta lại thấy tinh thần đoàn kết chung tay cho nỗi đau cộng đồng ấy. Người Las Vegas đang không ngừng đổ về các trung tâm hiến máu. Từ 3h48 sáng sớm 2/10 (giờ địa phương), bãi đỗ xe của trung tâm hiến máu ở Charleston đã chật kín, rất nhiều người đã đứng xếp hàng để hiến máu cho các nạn nhân của vụ xả súng khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Mỹ này.

Author: Khôi Nguyên

News day