Những sự thật thú vị về tượng Chúa cứu thế tại Rio de Jainero
CTV Anh Trần (dịch) 06/17/2018 06:30 PM
Tượng đài Chúa cứu thế được xem là một biểu tượng văn hóa của Rio de Jainero nói riêng và đất nước Brazil nói chung.

Tượng Chúa cứu thế là một biểu tượng nhằm chống lại sự gia tăng của các tín đồ vô thần

Được hình thành vào năm 1889, Cộng hòa Brazil đã bị chia tách thành giáo hội và chính phủ. Kéo theo đó là mối lo lắng giữa các tín đồ Công giáo khi mà quốc gia đang dần đi đến tình trạng đầy nguy hại - sự gia tăng ngày một lớn của những người vô thần trên cả nước. Sau Thế chiến I, những tín đồ này cho rằng họ cần một biểu tượng để chống lại sự gia tăng ngày một lớn này. Năm 1920, tượng đài Chúa cứu thế ra đời và được đặt trên đỉnh núi Corcovado ở thành phố Rio de Jainero. Tượng đài này được thiết kế bởi kỹ sư Heitor da Silva Costa.

Bản thiết kế gốc rất khác với những gì chúng ta thấy ở hiện tại

Da Silva Costa trước đó đã phác thảo bản thiết kế tượng đài Chúa cứu thế. Tuy nhiên, ở bản thảo này, một bên tay Chúa Jesus sẽ cầm một cây thánh giá lớn và bên còn lại Ngài sẽ cầm quả địa cầu. Vị kỹ sư này còn chú thích thêm rằng gương mặt của Chúa nên hướng về phía mặt trời mọc. Bức tượng nhanh chóng có được một cái tên khá ngộ nghĩnh “Đức chúa và quả bóng” (Christ with a ball). Tuy nhiên, sau khi khảo sát và nhận được những ý kiến khác nhau từ mọi người trong thành phố, trong đó có cả Carlos Oswald - một nghệ sĩ người Brazil, Da Silva Costa đã tiến hành phát họa lại một bản thiết kế mới mang đầy tính nghệ thuật - tượng Đức Chúa dang tay.

Tượng Chúa cứu thế được xem là biểu tượng chống lại sự gia tăng ngày một lớn của những tín đồ vô thần. Ảnh: mentalfloss.com

Quá trình xây dựng mất 9 năm

Da Silva Costa đã đến Pháp để tìm một nhà điêu khắc tài năng nhằm biến thiết kế của ông trở thành hiện thực. Sau đó, thiết kế của ông được ủy nhiệm cho Pow Landowski - một nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp gốc Ba Lan. Đồng thời cũng chính Landowski là người đã dùng sự điêu luyện của mình để khiến bức tượng trở nên sắc nét hơn. Nhiều năm sau, Landowski đã tạo hình bức tượng với chiều cao 30m (98 foot) bằng những mảnh đất sét. Bức tượng sau đó được chuyển đến Brazil để được gia cố lại một cách chi tiết hơn.

6 triệu viên đá được sử dụng cho tượng đài này

Bê tông cốt thép là một trong số ít các vật liệu đủ mạnh để có thể hỗ trợ cho tượng đài này. Tuy nhiên, Da Silva Costa cùng với những người khác lại cho rằng bê tông khá thô và không thể sử dụng để tạo nên những đường nét cho tượng Chúa. Kéo theo đó là nỗi lo lắng của Da Silva Costa về việc kiệt tác của ông sẽ phải kết thúc trong thất bại. Thế nhưng ông đã tìm thấy nguồn cảm hứng cho mình tại một đài phun nước dọc theo đại lộ Champs Elysees tại Paris. Những viên gạch được sử dụng cho đài phun nước đã làm nổi bật lên những đường cong của nó theo đúng cách mà Da Silva Costa hy vọng rằng nó sẽ xuất hiện trong thiết kế của mình. Ngay lập tức, vị kỹ sư này liền cho cập nhật lại kế hoạch về dự án của mình. Ông quyết định chọn một loại đá mềm thường được sử dụng trong điêu khắc (soapstone) để chế tạo nên các viên gạch. Theo BBC, những công nhân đảm nhận công việc này đã viết những thông điệp ẩn rải rác khắp trên lưng của bức tượng.

9 năm là thời gian để hoàn thành bức tượng đầy tính nghệ thuật này. Ảnh: dailymail.co.uk

Ảnh hưởng thời tiết

Thời tiết là nguyên nhân dẫn đến việc bức tượng bị mài mòn sau nhiều năm. Vì thế, việc phục hồi lại bức tượng là điều hiển nhiên. Hơn thế nữa, tượng Chúa đồng thời còn thường xuyên trở thành mục tiêu của những trận sấm sét. Mặc dù sấm sét sẽ dần dần tan biến nhưng  tượng đài vẫn chịu nhiều hư hại. Trước khi diễn ra World Cup 2014, sét bất ngờ đánh vào phía sau đầu và làm rơi một phần ngón tay của bức tượng. Sự việc đã gây chấn động cho cả thành phố và buộc các nhà chức trách phải cho tiến hành sửa chữa trước khi ra mắt toàn thế giới.

Tượng Chúa cứu thế chịu rất nhiều ảnh hưởng từ thời tiết. Ảnh: dailymail.co.uk
Bức tượng thường xuyên trở thành mục tiêu của những trận sấm sét. Ảnh: dailymail.co.uk

Bức tượng có thể trở nên tối hơn ở lần phục hồi kế tiếp

Khi Da Silva Costa quyết định sử dụng soapstone để làm nên bức tượng này, ông đã chọn loại có gam màu nhẹ tại một mỏ đá gần thành phố Ouro Preto. Loại đá này giống với loại đá từng được Aleijadinho - nhà điêu khắc người Brazil sử dụng vào thế kỷ XVIII. Ngoài ra, Aleijadinho còn là người mà Da Silva Costa vô cùng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, thật không may mắn khi mỏ đá này đã trở nên khô ráp. Các chyên gia phục hồi sau đó đã tìm ngay loại thay thế và phải mất một khoảng thời gian đầy khó khăn để tái tạo lại màu sắc của đá ngay khi họ tìm được. Người phát ngôn của Viện Di sản Lịch sử và Nghệ thuật Brazil đã trao đổi với BBC rằng các loại đá thay thế sẽ trở nên sẫm màu hơn trong lần phục hồi kế tiếp vào năm 2020. Đồng thời, nhà phát ngôn này còn cho biết thêm: “Loại đá được dùng để tạo nên bức tượng Chúa rất khó tìm”.

Nhà nguyện

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 75 của tượng đài, các nhà chức trách đã cho xây dựng một nhà nguyện nhỏ ngay dưới chân bức tượng. Một điểm đáng lưu ý nữa là mọi người đều có thể tiến hành hôn lễ dưới đức Chúa thiêng liêng. Tuy nhiên, không gian bên trong nhà nguyện lại rất giới hạn và làm chậm việc di chuyển lên đến đỉnh của tượng đài (mọi người phải di chuyển từ tàu lửa đến thang máy và tiếp đến là thang cuốn). Sẽ rất khó khăn khi phải di chuyển như vậy trong bộ trang phục cưới và nó có thể không phải là ý tưởng hay cho sự lãng mạn.

Tàu lửa dùng để di chuyển đến núi Corcovado - nơi đặt Tượng chúa cứu thế. Ảnh: culturalbrazil.org

Sự thay đổi vào năm 2008 đã giúp cho những chuyến tham quan lên tượng Chúa trở nên dễ dàng hơn

Trong nhiều năm, để tham quan tượng Chúa cứu thế, du khách phải đến trạm tàu lửa để di chuyển và leo khoảng 200 bậc thang để có thể đến được tượng đài. Tuy nhiên, sau khi nhận được nhiều phản hồi từ phía du khách về những bất lợi này, năm 2003, chính quyền thành phố Rio del Jainero đã cho xây dựng thêm hệ thống thang máy và thang cuốn nhằm giúp việc tham quan của du khách trở nên dễ dàng hơn. Hiện nay, du khách có thể đến tham quan tượng đài vô cùng dễ dàng và thuận tiện như việc di chuyển giữa các tầng trong trung tâm thương mại.

Sự kiện cố ý phá hoại của một nhóm người vào năm 2010 được xem là tội ác quốc gia

Một vài nghệ sĩ graffiti đã leo lên tượng đài và viết lên cả phần đầu, tay và phần ngực của bức tượng. Ngài Thị trưởng của Rio - Eduardo Paes đã gọi hành động này là “tội ác chống đối lại quốc gia”. Những người này đã phải thú tội ngay sau đó.

Tượng Chúa cứu thế tại Brazil là một trong bảy kỳ quan mới của thế giới. Ảnh: dailymail.co.uk

Cây thập tự hay một cái ôm của đức Chúa? Điều đó tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi người

Thay vì thiết kế tượng chúa đang cầm trên tay cây thập tự, Da Silva Costa đã thiết kế hình dáng bức tượng trông như một cây thập tự với phần tay dang rộng của đức Chúa. Các học giả đã lưu ý rằng biểu tượng này như là cầu nối giữa những mô tả truyền thống về Chúa - hình ảnh Chúa bị đóng đinh hoặc mang theo thập tự giá và những mô tả hiện đại. Hiện nay, Brazil được biết đến là một quốc gia đa dạng về tôn giáo, vì thế mà có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về tượng đài này. Trong đó, nhiều người cho rằng cử chỉ dang rộng hai tay là biểu tượng của sự chào đón và bình an. Năm 1969, một nghệ sĩ người Brazil - Gilberto Gil đã viết nên một ca khúc dựa trên cảm hứng từ chính tượng đài này mang tên That Hug” (Aquele Abraço).

Một trong bảy kỳ quan mới của thế giới

Năm 2007, hơn 100 triệu người đã bình chọn cho bảy kỳ quan mới của thế giới trong số 21 kỳ quan được chọn tại vòng chung kết (cuộc thi được tổ chức bởi tập đoàn New Open World). Tượng Chúa cứu thế hoàn toàn đáp ứng đủ mọi tiêu chí được đề ra. Cùng với đó là Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, Machu Pichu ở Peru và Đấu trường La Mã ở Ý.

 

 

 

Author: CTV Anh Trần (dịch)

News day