Xuân về trên xứ Quảng
CTV Như Ngọc 02/16/2018 12:00 PM
Tết Nguyên Đán là lễ tết quan trọng nhất đối với người Việt Nam nói chung và những người con xứ Quảng nói riêng. Trong tim họ luôn nung nấu ngày trở về đoàn tụ cùng gia đình để đón một mùa xuân sum vầy sau một năm tha phương cầu thực.

Nếu như ở Sài Gòn trang hoàng đón tết Nguyên đán lộng lẫy bao nhiêu thì người Sài Gòn lại thấy ngày tết âm lịch tẻ nhạt bấy nhiêu. Dường như ở thành phố này, mỗi dịp tết đến xuân về chỉ là thời điểm mọi người đua nhau kiếm tiền, kinh doanh thu lợi nhuận chứ ít quan tâm đến gia đình mình sẽ đón tết như thế nào. 

Chợ quê.
Ảnh: Như Ngọc

Cũng vào thời điểm này, những người con xa quê nô nức đặt vé xe hồi hương, khăn gói đồ đạc và chắt chiu từng đồng để đem về quê đón tết sum vầy. Tết Nguyên Đán vẫn giữ trọn sắc màu truyền thống trên miền quê đất Quảng, từ hương thơm của nhà nhà làm mứt gừng lan tỏa khắp thôn xóm hay tiếng nổ vui tai vọng ra từ những lò bánh Tết. Cứ đến độ 27 âm lịch trở đi là các chợ hoa xuân được dựng lên, tập trung hỗn hợp nhiều loại hoa Tết như hoa cúc, hoa ly, hoa mai, quất cảnh... Không khí Tết đến xuân về tràn ngập mọi nẻo đường, người người trang trí nhà cửa với đi mua mấy chậu hoa cúc về đón xuân. Ở xứ Quảng, người ta còn giữ nhiều tục lệ truyền thống như bữa cơm tất niên, nhà ai cũng làm mâm cơm rồi mời xóm làng, họ hàng đến chung vui. Hay phong tục đêm giao thừa kéo nhau đi xem văn nghệ du xuân, rồi đến tối về lại thay nhau trông nồi bánh chưng, bánh tét. 

Cúng tất niên. 
Ảnh: Như Ngọc

Sáng mùng 1 Tết có lẽ là không khí vui nhất, sáng sớm cả gia đình đã hội họp đông đủ để chúc tết từng thành viên và lì xì cho nhau. Những đứa trẻ trong gia đình là háo hức nhất khi được nhận lì xì. Sau đó cả nhà lại kéo nhau đi chùa hái lộc, bốc xăm cầu cho một năm mới yên bình, hạnh phúc. Người xứ Quảng thường nói: "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy". Sau hai ngày Tết vui vầy bên gia đình, mùng ba Tết là ngày những người trẻ họp lớp cũ, thăm trường xưa hay đi chúc Tết thầy cô. Hay câu "Ba ngày Tết, bảy ngày xuân" cũng mang ý nghĩa về một năm có mấy khi gia đình đông đủ thế này thì nhiều người con đều muốn ở lại ăn tết với gia đình lâu hơn chứ không vội vàng tha phương cầu thực trở lại xứ người.

Hái lộc đầu năm. 
Ảnh: Nh
ư Ngọc

Phong tục truyền thống là những nét đẹp từ ngàn xưa còn lưu giữ lại, nó đem con người lại gần nhau hơn và khiến cho màu sắc xã hội ngày càng văn minh. Dù thế giới có hiện đại và phát triển đến đâu, thì việc giữ lại bản sắc văn hóa này sẽ giúp con người nhớ về nguồn cội, gốc gác của mình. Tết Nguyên Đán vẫn là lễ tục quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt nói chung và xứ Quảng nói riêng.

Author: CTV Như Ngọc

News day