Mẹ tôi cũng là một cô giáo
Lạc Nhiên (Hồng Nguyễn) 11/20/2017 08:00 PM
Xin hãy tri ân và đồng cảm với những thầy cô đã hoàn thành sứ mệnh đưa đò và những thầy cô đang và sắp bước trên con đường gian khó của nghề giáo.

Lễ nhà giáo mỗi năm tôi đều đặn gửi tin nhắn chúc mừng đến những thầy cô giáo cũ, tất cả những thầy cô mà tôi có số điện thoại. Thế nhưng có một sơ sót to lớn, chắc bởi vì sự thân quen mà tôi dường như quên mất - mẹ tôi cũng là một cô giáo.

Mẹ về hưu khi tôi vào lớp 12. Mẹ tôi dạy Địa Lý - Lịch Sử nhưng đó là chuyện khi tôi chưa ra đời. Sau khi sinh tôi, mẹ không còn đứng lớp nữa mà về làm thư ký do vấn đề thay đổi tiêu chuẩn về bằng cấp giảng dạy. Thời của mẹ, không phải giáo viên nào cũng đủ tiền đi học tiếp để có bằng cấp nhưng những ai đã từng ngồi nghe mẹ giảng đều vẫn nhớ và tấm tắc khen mỗi lần họ có dịp về thăm.

Tôi đã từng đọc qua quyển giáo án ngày xưa của mẹ và trong một khoảng thời gian dài, vì nó mà tôi cũng có ước mơ làm cô giáo. Mỗi bức vẽ bản đồ thời đi dạy mẹ đều giữ lại, không phải tôi khen người nhà nhưng thực sự chúng rất đẹp và chính xác cao. Mẹ cũng là người duy nhất dạy tôi mẹo vẽ bản đồ có mức độ chính xác gần với nguyên bản và nếu bạn may mắn đọc được bài viết này thì có thể liên hệ để tham khảo nhé.

Ảnh: Sasin Tipchai

Nghề giáo viên có lẽ là một nghề rất bạc bẽo. Thậm chí đến tận bây giờ. Tôi đã từng nghe mẹ kể về những ngày tháng đi dạy trong thời bao cấp. Lương giáo viên rất thấp và họ chỉ nhận được một ít tiền mặt, phần còn lại được quy đổi thành các vật phẩm mà có những thứ không cần thiết nhưng vẫn được phát đều đặn.

Vì thế việc giáo viên đi làm thêm để kiếm sống cũng không phải chuyện mới mẻ, bây giờ cũng thế. Đừng buông lời chê trách khi bạn không biết về hoàn cảnh của họ. Ai cũng thế mà thôi "có thực mới vực được đạo", câu nói này chưa bao giờ sai. Ăn không no thì sẽ dẫn đến tiêu cực. Thầy cô vẫn ngày ngày đến lớp trao học trò chiếc cần câu nhưng đằng sau lớp áo dài xinh đẹp đó, đằng sau vẻ bảnh bao trong sơ mi, quần tây đó là cả một chuỗi ngày phải đi "câu cơm" sau những giờ phấn trắng, bảng đen. Có ông thầy suốt ngày nhậu nhẹt, ngày nào cũng say, người không biết thì chê trách nhưng biết rồi thì vỡ oà ra. Nhà nghèo nên ông ấy phải lang thang nhậu nhẹt, ai rủ là đi, đặc biệt là những đứa học trò thuộc hàng cá biệt, chẳng có ham thích rượu chè gì đâu mà cốt yếu là để có thứ bỏ bụng "miễn phí" trong những bận ly vào ly ra, còn tiền công đi dạy thì phải để dành gửi về quê lo mẹ, lo em... Vô vàn những khó khăn của thời đi dạy mà tôi nghe lỏm được giữa những cuộc trò chuyện ôn lại quá khứ. Tôi hỏi mẹ “Vậy tại sao họ vẫn chọn tiếp tục đi dạy?”.

Ảnh: Roman Mager

Thật ra, rất nhiều người đã bỏ nghề. Rất nhiều người bất mãn. Rất nhiều người chính vì cuộc sống áo cơm mà tiêu cực, có những hành động không đẹp và làm mất đi hình ảnh cao quý trong lòng học trò. Nhưng vẫn có rất nhiều thầy cô nhẫn nại và kiên tâm "đưa đò", bởi bởi nghiệp đã mang vào người thì khó cởi bỏ, bởi tình yêu đã trót trao đi rồi thì khó lòng buông. Vẫn có những niềm vui đong đầy trên bục giảng, vẫn có những hạnh phúc dễ thương vun đắp mỗi ngày từ những đứa học trò dù là ngoan hay quậy phá. Thế nên họ vẫn tâm huyết khi đi dạy dù cuộc sống vẫn đang bắt họ bươn chải ngược xuôi.

Mẹ tôi cũng không ngoại lệ, đồng lương rẻ rúng của giáo viên không đủ nuôi miệng, nuôi gia đình nếu không có những chuyện làm thêm. Tôi vẫn nhớ những ngày tháng bán hàng trong căn tin trường, những ngày mẹ thức khuya nấu thức ăn và dậy thật sớm để đi lấy hàng. Nhưng tất nhiên vẫn phải ưu tiên hoàn thành việc ở trường. Những vòng xe đạp tất tả của một cô giáo cứ quay đều trong đầu mỗi khi tôi nhớ về những năm tháng gian khó ấy của mẹ.

Tôi luôn biết rõ một điều rằng cô giáo đầu tiên của tôi không phải là cô giáo mầm non hay cô giáo lớp một mà chính là mẹ. Mẹ dạy tôi hai bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng: Học giỏi để thoát nghèo và học ngoại ngữ để có thêm cơ hội. Hai bài học đó khắc sâu cùng với lúc tôi có những con chữ đầu tiên trong trí nhớ của mình nhưng nó chỉ thực sự thấm khi tôi bắt đầu có thêm ý thức và đặc biệt khi tôi chính thức bước ra đời. Tôi đã mang ơn bài học ấy cho đến tận bây giờ nhưng lại vô tâm quên trao lời cảm ơn với “cô giáo đầu tiên” của mình bấy lâu nay.

Ảnh: Free-Photos

Bài viết này như một lời cảm ơn sâu sắc gửi đến tất cả những Thầy Cô và đặc biệt là cô giáo đáng kính nhất trong đời tôi. Xin hãy tri ân và đồng cảm với những thầy cô đã hoàn thành sứ mệnh đưa đò và những thầy cô đang và sắp bước trên con đường gian khó của nghề giáo.

Author: Lạc Nhiên (Hồng Nguyễn)

News day