Bệnh lao là gì?
Giang Lê (hellobacsi) 02/09/2018 07:30 PM
Lao là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis. Tuy lao có thể ảnh hưởng đến tất cả cơ quan trong cơ thể, nhưng phổi và hô hấp là hai cơ quan thường xuyên bị mắc bệnh nhất.

Trước khi có kháng sinh, lao là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho nhân loại vì khi đó mắc lao đồng nghĩa với việc người bệnh suy kiệt dần rồi chết. Vi khuẩn lao có cấu tạo khá đặc biệt, có thể kháng lại một số loại kháng sinh thông thường. Do đó, ngay cả trong thời đại kháng sinh đa dạng như hiện nay, các loại thuốc được chọn lựa điều trị lao cũng không đa dạng và tình trạng kháng thuốc đôi khi làm cho việc điều trị khá khó khăn.

Định nghĩa
Bệnh lao là gì?

Hình ảnh phóng to của vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (MTB). Ảnh: bacteriologynotes.com

Bệnh lao (TB) là bệnh nhiễm một loại vi khuẩn tấn công và hủy hoại mô cơ thể. Vi khuẩn này tên là Mycobacterium Tuberculosis (MTB) và lây truyền qua không khí. Nhiều bệnh nhân thường mắc nhiễm lao giai đoạn ủ bệnh, gọi là bệnh lao tiềm tàng. Sau một khoảng thời gian tùy vào sức khỏe người bệnh, có thể trong vài tuần cho tới vài năm, vi khuẩn lao bắt đầu hoạt động và gây các triệu chứng bệnh. Sau đó bệnh lao xuất hiện. Đặc biệt nếu bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu đi, chẳng hạn như khi bệnh HIV, ung thư hoặc hóa trị liệu, bệnh lao sẽ phát triển nhanh hơn. Bệnh thường ảnh hưởng đến phổi nhưng có thể lan ra (phát tán) đến xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác.

Những ai thường mắc phải bệnh lao?

Ở một số trường hợp, giai đoạn ủ bệnh sẽ ngắn vì người bệnh có hệ miễn dịch yếu. Từ sau giai đoạn bệnh toàn phát, bệnh lao sẽ trở thành bệnh dễ lây truyền. Những nhóm người dưới đây thường có nguy cơ cao mắc bệnh lao, bao gồm:

  • Bị HIV hoặc các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch
  • Đã tiếp xúc gần với người mắc bệnh lao
  • Chăm sóc bệnh nhân bị lao, như bác sĩ hay y tá
  • Sống và làm việc ở nơi có người bị lao, như trại tị nạn, trạm xá
  • Người sống ở nơi có điều kiện y tế thấp kém
  • Lạm dụng rượu hoặc ma túy
  • Du lịch đến những nơi bệnh lao vẫn còn phổ biến. Đa số là ở những khu vực còn đang phát triển như Mỹ Latin, Châu Phi, Châu Á, Đông Âu và Nga

Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao là gì?

Nếu trong giai đoạn ủ bệnh của lao, bạn thường cảm thấy rất bình thường. Đa số người bệnh không có triệu chứng nào trong giai đoạn này và bệnh cũng không lây lan. Sau khi bệnh đã phát triển, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Tùy vào cơ quan nào bị ảnh hưởng, các triệu chứng có thể bao gồm ho kéo dài trong ít nhất 3 tuần, ho kèm theo đờm hoặc máu, đau ngực, sốt, đổ mồ hôi đêm, sụt cân, ăn không ngon miệng, mệt mỏi và yếu ớt. Các triệu chứng của lao có thể gây ra do nhiều bệnh liên quan đến phổi khác.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Ho dai dẳng trên 3 tuần có nguy cơ bị lao. Ảnh: home.bt.com

Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị sốt, sụt cân không rõ lý do và đổ mồ hôi đêm. Đặc biệt nếu bạn bị ho dai dẳng trên 3 tuần thì có nguy cơ đó là do bệnh lao. Đây thường là dấu hiệu của bệnh lao, nhưng cũng có thể là triệu chứng của bệnh khác. Bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm giúp bạn xác định nguyên nhân gây bệnh.

Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh lao là gì?

Nguyên nhân gây bệnh là một loại vi khuẩn tên là Mycobacterium Tuberculosis (MTB). Đây là vi khuẩn lây truyền qua không khí, tức là bạn có thể hít phải không khí có vi khuẩn do tiếp xúc gần, hít thở vi khuẩn trong cùng bầu không khí mà người bệnh lây lan khi ho.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn lao MTB không hoạt động ngay mà sẽ ở trạng tháng “ngủ”. Giai đoạn này gọi là giai đoạn ủ bệnh. Vì vi khuẩn chưa hoạt động nên không có triệu chứng và không lây lan. Nếu xét nghiệm, bạn vẫn sẽ có kết quả dương tính với vi khuẩn này dù không có dấu hiệu nào cả. Nguy cơ bệnh lao có thể giảm đáng kể nếu phát hiện vi khuẩn sớm từ giai đoạn này.

Tuy vậy, trong mười người nhiễm vi khuẩn MTB, thì sẽ có một người sẽ phát triển thành bệnh. Vi khuẩn sẽ tấn công cơ thể khi hệ miễn dịch chưa kịp chống lại chúng, hoặc sẽ chờ tới khi hệ miễn dịch yếu đi (như ở người cao tuổi, người nhiễm HIV…). Vì vậy, thời gian ủ bệnh sẽ khác với mỗi người. Khi đã hoạt động, vi khuẩn sẽ phát triển từ phổi và theo máu di chuyển sang các cơ quan khác của cơ thể.

Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao?

Một số yếu tố sau có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh lao. Đa số các trường hợp có nguy cơ bệnh lao đều có hệ miễn dịch yếu, bao gồm:

  • HIV/AIDS
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh thận giai đoạn cuối
  • Một số căn bệnh ung thư
  • Bệnh suy dinh dưỡng
  • Bạn đang thực hiện một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hoá trị liệu
  • Bạn đang dùng một số loại thuốc dùng để điều trị viêm khớp, bệnh Crohn và bệnh vảy nến

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ. 
Ảnh: fthmb.tqn.com

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh lao?

Bệnh lao có thể chữa trị khỏi tương đối dễ dàng. Thường bạn phải sử dụng thuốc trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn. Việc điều trị đúng cách thường bao gồm việc sử dụng 3 - 4 loại kháng sinh hằng ngày. Bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn sau vài tuần. Dù vậy, bệnh vẫn có thể tái phát. Việc hoàn tất quá trình điều trị kể cả khi các triệu chứng biến mất rất quan trọng. Nếu các loại thuốc được ngưng sử dụng quá sớm, vi khuẩn vẫn còn ở trong cơ thể. Bệnh lao có thể quay trở lại, lan đến các phần khác của cơ thể và lây cho người khác. Thành viên gia đình và những người tiếp xúc gần với bạn nên được theo dõi có mắc bệnh hay không.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh lao?

Nếu bạn ho không rõ lý do, ho dai dẳng, sụt cân hoặc sốt, có thể đó là do bệnh lao. Bác sĩ sẽ hỏi về nơi sống, làm việc và những người bạn tiếp xúc để phát hiện nguồn lây nhiễm bệnh lao. Tiền sử bệnh lao hoặc kết quả xét nghiệm da, các yếu tố rủi ro (đặc biệt là HIV), du lịch nước ngoài và làm công việc ngoài trời cũng là một trong số các yếu tố quyết định chẩn đoán.

Việc xét nghiệm phản ứng lao tố (PPD) có thể được tiến hành. Đối với xét nghiệm này, một lượng nhỏ dịch chứa protein từ vi khuẩn lao sẽ được tiêm vào dưới da vùng cánh tay của bạn, vết sưng xuất hiện sẽ được đo từ 48 - 72 tiếng sau đó. Kích thước của vết sưng ở vị trí được tiêm dịch vào sẽ xác định xét nghiệm tuberculin có dương tính hay không. Kết quả dương tính thường có nghĩa là người đó đã bị nhiễm bệnh lao.

Bác sĩ cũng có thể chụp X-quang ngực và lấy mẫu đờm, máu hoặc nước tiểu để kiểm tra sự có mặt của vi khuẩn MTB. Xét nghiệm HIV cũng có thể được thực hiện.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh lao?

Những việc sau đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh lao:

  • Uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ
  • Sử dụng hộp chia thuốc hằng ngày để uống thuốc đúng theo lịch
  • Hỏi bác sĩ về những tác dụng phụ của thuốc
  • Tái khám đúng hẹn
  • Cẩn thận không lây bệnh cho người khác
  • Làm theo hướng dẫn của bác sĩ về việc giữ vệ sinh

Gọi cho bác sĩ nếu bạn bị sốt hoặc ớn lạnh, khi bạn quan tâm về các tác dụng của thuốc; khi bạn xuất hiện các triệu chứng kéo dài hoặc xấu đi mặc dù đang sử dụng thuốc; nếu bạn ho kèm theo đờm đổi màu hoặc có máu.
Lao là một bệnh nghiêm trọng tuy nhiên bệnh chỉ phát triển trong những bệnh cảnh đặc biệt. Thông thường, một người khỏe mạnh hoàn toàn có thể chống chọi lại việc nhiễm lao. Bệnh lao chỉ thường xảy ra ở những người sức khỏe kém và có hệ miễn dịch suy giảm. Những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, đái tháo đường, hay những người có sức khỏe suy kiệt, có nhiều bệnh đồng mắc là đối tượng dễ bị nhiễm lao nhất. Do đó, để bảo vệ sức khỏe bạn và gia đình, bạn cần nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Theo: hellobacsi.com

Tác giả: Giang Lê (hellobacsi)

Tin mới trong ngày