Đã tìm ra giải pháp làm chậm tốc độ tan băng đơn giản đến không ngờ
Quyền Văn (Theo: Khoa Học) 01/17/2018 05:30 PM
Nếu thật sự thành công, giải pháp này sẽ là cứu cánh cho nguy cơ tan băng khiến mực nước biển dâng cao của cả thế giới.

Khí hậu nóng lên khiến băng tan - và đó là mối đe dọa lớn với cuộc sống của chúng ta trên hành tinh này. Rất nhiều ý tưởng, giải pháp được đưa ra nhằm làm chậm sự tan băng, hỗ trợ những dòng sông băng trôi lấy lại phần diện tích bị tan chảy của mình.

Công trình nghiên cứu của Michael Wolovick - một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ chuyên ngành băng hà học của ĐH Princeton hứa hẹn có thể sẽ tiến xa hơn thế.

Theo đó, để có thể chống lại được việc tan băng, Michael dự định sẽ cho đặt những "túi cát" như dạng một bờ kè ngầm dưới biển.

Những túi cát này sẽ ngăn dòng hải lưu nóng tiếp xúc với phần dưới của sông băng. Ảnh: khoahoc.tv

Những túi cát này sẽ ngăn dòng hải lưu nóng tiếp xúc với phần dưới của sông băng. Từ đó, làm giảm tốc độ băng tan đến vài thế kỷ, thậm chí những sông băng sẽ có thời gian để tự phục hồi lại những diện tích đã mất.

Michael cho biết dù chỉ mới dừng lại ở việc giả lập nhưng công trình đã mang đến những bước tiến hết sức khả quan.

Trong thử nghiệm giả lập với sông băng Thwaites, những tảng băng nhỏ đã thu hẹp khoảng cách trôi dạt khoảng 100km so với vị trí hiện tại của chúng.

Vị trí của sông băng Thwaites.
Ảnh: khoahoc.tv

Lý do sông băng Thwaites được chọn để thử nghiệm cho công trình này là do tầm quan trọng của nó trong cuộc chiến chống lại việc tan băng ở hai cực.

Thwaites có diện tích bằng cả bang Florida của Mỹ, nằm ở biển Amundsen, Tây Nam Cực và có độ dày lên đến 4km nhưng lại có phần rìa rất mỏng.

Phần rìa này khi tiếp xúc với phần nước ấm hơn bên dưới mặt biển sẽ dần dần mỏng đi hơn và gây ra tình trạng tan băng, giảm diện tích băng ở hai cực và tăng mực nước biển.

Dự đoán nếu sông băng Thwaites tan hoàn toàn sẽ khiến mực nước biển toàn thế giới tăng từ 1 đến 2m. Ảnh: khoahoc.tv

Nếu điều đó trở thành sự thật thì Việt Nam chúng ta sẽ không còn thứ gọi là vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long nữa do 90% diện tích trồng lúa sẽ ngập hoàn toàn!

Tuy cách làm đơn giản và không đòi hỏi những công nghệ cao, thậm chí chính tác giả còn gọi giải pháp này là “low-tech”, nhưng Michael tin rằng đây là giải pháp đánh đúng vào vấn đề.

Công trình này lần đầu được giới thiệu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Địa Vật lý Mỹ diễn ra vào tháng 12 vừa qua.

Theo: Khoa Học

Tác giả: Quyền Văn (Theo: Khoa Học)

Tin mới trong ngày