Đừng giữ im lặng để rồi xa nhau
Lạc Nhiên 09/23/2017 08:00 PM
Hãy nhớ rằng người chịu lùi bước không hẳn là người thua cuộc mà là anh ấy hoặc cô ấy vẫn còn trân trọng mối quan hệ của hai người, không buông bỏ khi vẫn còn cơ hội gắn kết.

Cãi vã được xem là một “gia vị” trong đời sống hôn nhân, dù rằng nó chẳng có một chút hấp dẫn nào. Không cặp đôi nào sống cùng nhau mà không xảy ra tranh cãi hay bất đồng. Nhưng trong số nhiều cách xử lý những bất đồng này, cách tệ nhất là lựa chọn im lặng.

Im lặng trong một số trường hợp đã không còn là sự đồng tình nữa mà thể hiện cho một sự chống đối ngầm, một thái độ bất cần, phó mặc "muốn ra sao thì ra". Sự im lặng từ một hay cả hai người đều báo hiệu mối nguy hiểm cho cuộc hôn nhân đó.

Ảnh: Francisco Moreno 

Khi một trong hai người không còn muốn cố gắng để hoà hợp hay chấp nhận thoả hiệp nữa, khi cảm giác bất lực hoặc chán nản phát sinh, chúng ta thường sẽ chọn im lặng với đối phương. Vì không biết phải nói gì. Vì không biết phải khuyên giải gì. Vì không biết cách lắng nghe. Hoặc cố chấp cho rằng mình luôn luôn đúng...

Ở những thời điểm lặng im, mỗi người sẽ chìm vào sự cô đơn do chính mình tạo ra và bầu không khí trong gia đình sẽ trở nên ngột ngạt. Bản thân vừa phải đối mặt với nhiều áp lực của cuộc sống vừa lại thêm áp lực gia đình, thay vì cần được ủi an và ấm áp. Sự im lặng trong gia đình lúc này sẽ tạo ra những khe hở khiến những thứ tình cảm ngoài luồng dễ dàng phát sinh. Thử tưởng tượng trong lúc bạn đang vô cùng cô đơn, bế tắc, chán nản về thái độ của vợ hoặc chồng của mình, bỗng dưng có một người đến và chịu lắng nghe bạn nói, an ủi bạn, thậm chí bỏ thời gian để quan tâm đến bạn. Những lúc ấy chắc chắn trong lòng bạn sẽ có những suy nghĩ so sánh và hờn trách vợ hoặc chồng của mình rằng, "Vì sao cô ấy/anh ấy không lắng nghe mình như người kia".

Ảnh: Greek Food - Ta Mystika

Mối liên kết giữa hai con người với nhau cũng dễ vỡ như thủy tinh ngay khi sự thất vọng ngập tràn trong lòng, ngay khi mỗi người đều cố chấp giữ khư khư cái tôi của mình và kiên quyết không nhượng bộ bước về phía đối phương. Sự im lặng tồn tại ở một mức độ thường xuyên sẽ tạo ra khoảng cách vô hình trong tình cảm, trong suy nghĩ và dẫn đến sự rạn nứt của gia đình. Kết quả sẽ không đến mức như thế nếu hai người buông hết sự cố chấp mà đối thoại với nhau, lắng nghe nhiều hơn là phán xét. Hãy phân tích vấn đề hơn là quy chụp trách nhiệm. Hãy đặt bản thân vào vị trí đối phương mà cảm nhận hơn là cứ nói cho thỏa cơn tức giận của mình.

Hạnh phúc thật ra mỏng manh như một sợi chỉ mành, chỉ cần một bên kéo căng thì sẽ có nguy cơ đứt lìa. Có câu “Vợ chồng phải nương nhau mà sống”, một bên căng thì bên kia phải chùng. Hãy nhớ rằng người chịu lùi bước không hẳn là người thua cuộc mà là anh ấy hoặc cô ấy vẫn còn trân trọng mối quan hệ của hai người, không buông bỏ khi vẫn còn cơ hội gắn kết.

Ảnh: Freestocks.org 

Những lúc lặng im như thế, cần lắm một cái ôm thật chặt từ phía người kia, thật chặt để những giọt nước mắt ấm ức tuôn ra hết rồi thầm thì vào tai nhau rằng, “Chúng ta hãy nói chuyện với nhau nhé”. Chỉ cần như vậy mà thôi. Mỗi trái tim có tình cảm đều mong manh, dễ thương tổn nhưng những đau đớn của nó đều có thể được xoa dịu bằng những hành động dịu dàng và bao dung.

Thế nên đừng giữ im lặng để rồi xa nhau, đừng vô tâm để lạc mất những chân tình quý giá.

Tác giả: Lạc Nhiên

Tin mới trong ngày