Hội chứng rối loạn sinh tủy là gì?
Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng 05/10/2018 01:30 PM
Hội chứng rối loạn sinh tủy là một nhóm các rối loạn gây ra do các tế bào máu được sinh ra không khỏe hoặc không hoạt động đúng cách. Hội chứng rối loạn sinh tủy là do một vấn đề bất thường ở vùng xốp trong xương nơi các tế bào máu được tạo ra (tủy xương).

Mức độ phổ biến của hội chứng rối loạn sinh tủy?

Bệnh rối loạn sinh tủy chủ yếu ở người lớn tuổi. Ảnh: raffleshospital.vn

Hội chứng rối loạn sinh tủy rất hiếm. Hầu hết những người bị bệnh này đều trên 65 tuổi, nhưng nó cũng có thể xảy ra với những người trẻ. Bệnh phổ biến hơn ở nam giới. 

Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng rối loạn sinh tủy là gì?

Hội chứng rối loạn sinh tủy hiếm khi gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng ở giai đoạn sớm.

Hội chứng rối loạn sinh tủy có thể gây ra:

Mệt mỏi;

Khó thở;

Xanh xao không bình thường do số lượng hồng cầu trong máu thấp (thiếu máu);

Dễ bị bầm tím hoặc bầm tím bất thường hay chảy máu do số lượng tiểu cầu trong máu thấp (giảm tiểu cầu);

Các đốm đỏ có kích thước bằng đầu đinh bên dưới da do chảy máu (xuất huyết);

Nhiễm trùng thường xuyên xảy ra do số tế bào bạch cầu thấp (giảm bạch cầu);

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra hội chứng rối loạn sinh tủy?

Ở người khỏe mạnh, tủy xương sinh ra các tế bào máu mới, non nớt và trưởng thành theo thời gian. Hội chứng rối loạn sinh tủy xảy ra khi một vấn đề nào đó phá vỡ quá trình này làm các tế bào máu không trưởng thành được.

Thay vì phát triển bình thường, các tế bào máu này chết ngay trong tủy xương hoặc ngay sau khi xâm nhập vào dòng máu. Qua thời gian, số lượng tế bào non nhiều hơn các tế bào khỏe mạnh, dẫn đến các vấn đề như mệt mỏi do thiếu máu, nhiễm trùng do giảm bạch cầu và chảy máu do giảm tiểu cầu.

Một số hội chứng rối loạn sinh tủy không tìm ra nguyên nhân. Một số trường hợp do tiếp xúc với các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị, hoặc tiếp xúc hóa chất độc hại như thuốc lá, benzen và thuốc trừ sâu hay kim loại nặng như chì.

Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng rối loạn sinh tủy?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây hội chứng rối loạn sinh tủy như:

Tuổi cao. Hầu hết những người bị hội chứng rối loạn sinh tủy lớn hơn 60 tuổi.
Điều trị với hóa trị hay xạ trị. Hóa trị hoặc xạ trị là hai phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị ung thư, có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng rối loạn sinh tủy.
Tiếp xúc với một số hóa chất. Hóa chất có liên quan đến hội chứng rối loạn sinh tủy bao gồm khói thuốc lá, thuốc trừ sâu và hóa chất công nghiệp như benzen.
Tiếp xúc với các kim loại nặng. Kim loại nặng có liên quan đến hội chứng rối loạn sinh tủy bao gồm chì và thủy ngân.
Chẩn đoán & điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Ảnh: media.beam.usnews.com

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng rối loạn sinh tủy?

Để tìm hiểu xem bạn có mắc hội chứng rối loạn sinh tủy không, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử các vấn đề sức khỏe khác của bạn. Bác sĩ cũng có thể:

Thực hiện khám sức khỏe để kiểm tra các nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng của bạn;
Lấy mẫu máu để đếm các loại tế bào máu khác nhau;
Lấy mẫu tủy xương để phân tích. Bác sĩ hay kỹ thuật viên sẽ đâm một cây kim đặc biệt vào xương hông hoặc xương ức để lấy mẫu;
Làm phân tích di truyền tế bào từ tủy xương.
Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng rối loạn sinh tủy?
Mục đích điều trị hội chứng rối loạn sinh tủy thường là làm chậm tiến triển của bệnh, quản lý các triệu chứng như mệt mỏi, ngăn ngừa chảy máu và nhiễm trùng.

Nếu bạn không có triệu chứng, bác sĩ có thể khuyên bạn thận trọng theo dõi các xét nghiệm thường xuyên để xem diễn tiến của bệnh.

Nghiên cứu về hội chứng rối loạn sinh tủy đang tiếp tục. Hãy hỏi bác sĩ về thử nghiệm lâm sàng mà bạn có thể có đủ điều kiện tham gia.

  • Truyền máu

Truyền máu có thể được sử dụng để thay thế các tế bào hồng cầu, các tế bào bạch cầu hay tiểu cầu ở những người bị hội chứng rối loạn sinh tủy.

  • Thuốc

Điều trị hội chứng rối loạn sinh tủy có thể bao gồm các thuốc:

Tăng sản xuất các tế bào máu. Các loại thuốc còn gọi là các yếu tố tăng trưởng là phiên bản nhân tạo của các chất tự nhiên tìm thấy trong tủy xương. Một số yếu tố tăng trưởng, như epoetin alfa (Epogen, Procrit) hoặc darbepoetin alfa (Aranesp), giảm nhu cầu truyền máu bằng cách tăng các tế bào hồng cầu. Những loại khác như Filgrastim (Neupogen, Zarxio) có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách tăng các tế bào bạch cầu ở những người có các hội chứng rối loạn sinh tủy nhất định.
Kích thích các tế bào máu trưởng thành. Các thuốc như azacitidine (Vidaza) và decitabine (Dacogen) có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của những người bị các hội chứng rối loạn sinh tủy nhất định và giảm nguy cơ bệnh bạch cầu dòng tủy cấp.
Ức chế hệ thống miễn dịch. Những loại thuốc này được sử dụng trong các hội chứng rối loạn sinh tủy nhất định và có thể làm giảm bớt nhu cầu truyền máu.
Trợ giúp cho những người có bất thường di truyền nhất định. Nếu hội chứng rối loạn sinh tủy của bạn liên quan đến đột biến gen được gọi là del đơn lẻ (5q), bác sĩ có thể khuyên bạn dùng lenalidomide (Revlimid).
Điều trị nhiễm trùng. Nếu tình trạng của bạn làm cho bạn bị nhiễm trùng, bạn sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

  • Ghép tủy xương

Trong ghép tủy xương, còn được gọi là cấy ghép tế bào gốc, hóa trị liệu liều cao được sử dụng để diệt hết các tế bào máu khiếm khuyết từ tủy xương. Sau đó, các tế bào gốc trong tủy xương không bình thường được thay thế bằng các tế bào khỏe mạnh từ người hiến tặng (ghép đồng loại).

Các kỹ thuật mới sử dụng hóa trị ít độc hại trước khi cấy ghép hơn so với loại cũ. Tuy nhiên, cấy ghép tủy xương gây tác dụng phụ đáng kể. Vì lý do này, rất ít người có hội chứng rối loạn sinh tủy là ứng cử viên cho cấy ghép tế bào gốc tủy xương.

  • Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý hội chứng rối loạn sinh tủy?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với hội chứng rối loạn sinh tủy:

Rửa tay. Rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng bằng nước ấm và xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn. Mang theo nước rửa khử trùng tay có chứa cồn.
Hãy cẩn thận với thức ăn. Nấu chín tất cả thịt và cá. Tránh các loại trái cây và rau quả bạn không thể bóc vỏ, đặc biệt là rau sống và rửa tất cả trái cây trước khi lột. Để tăng tính an toàn, bạn có thể tránh tất cả các loại thực phẩm thô.
Tránh xa những người bị bệnh. Cố gắng tránh tiếp xúc, gần gũi với những người bệnh, kể cả các thành viên trong gia đình hay đồng nghiệp.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Theo: hellobacsi.com

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Tin mới trong ngày