Sao neutron có thể dội chớp sóng vô tuyến xuống Trái Đất
Phương Hoa 01/15/2018 05:30 PM
Phát hiện của các nhà khoa học quốc tế chỉ ra sao neutron có thể là nguồn phát những chớp sóng vô tuyến bí ẩn thu được từ Trái Đất.

Một nhóm nhà khoa học quốc tế sử dụng kính viễn vọng Green Bank ở West Virginia, Mỹ, và kính viễn vọng William E. Gordon ở Puerto Rico để nghiên cứu chớp sóng vô tuyến (FRB). Họ xác nhận nguồn phát chớp sóng là một môi trường cực hạn nằm giữa các vùng không gian có từ tính cao nhất, International Business Times mới đưa tin.

Nguồn phát chớp sóng là FRB 121102, nằm ở thiên hà lùn cách Trái Đất 3 tỷ năm ánh sáng. Ảnh: youtube.com

Các nhà thiên văn học dùng thuật ngữ chớp sóng vô tuyến để chỉ những tín hiệu vô tuyến bí ẩn không thể lý giải có nguồn gốc rất xa xôi. Dù tồn tại trong thời gian vô cùng ngắn, chỉ kéo dài nhiều nhất vài mili giây, những chớp sóng này đủ mạnh để giới nghiên cứu có thể phát hiện chúng trong vũ trụ.

Một nguồn phát chớp sóng là FRB 121102, nằm ở thiên hà lùn cách Trái Đất 3 tỷ năm ánh sáng, đặc biệt thu hút nhiều sự chú ý bởi đây là chớp sóng duy nhất lặp lại. Các nhà khoa học đã phát hiện hơn 200 chớp sóng mang năng lượng cao đến từ đó, nhưng vẫn chưa thể giải thích chính xác nguyên nhân chúng hình thành.

Các từ trường cực mạnh thường chỉ xuất hiện xung quanh những hố đen và ở trung tâm các ngân hà, nhưng FRB có thể được lý giải thông qua kết hợp các điều kiện vật lý thiên văn khác.

Dựa trên dữ liệu về FRB, các nhà khoa học cho rằng chúng có thể đến từ một ngôi sao neutron có từ tính cao gọi là sao từ, nằm gần một hố đen siêu lớn có khối lượng gấp 10 - 100 triệu lần Mặt Trời và sản sinh từ trường cực mạnh hoặc phun ra khí gas nóng. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.

Green Bank là một trong những kính viễn vọng thu được chớp sóng vô tuyến. Ảnh: Danielle Futselaar

Theo các nhà khoa học, độ dài của chớp sóng vô tuyến nằm trong khoảng từ 30 micro giây đến 9 mili giây, chỉ ra nguồn phát có thể rộng 10km, tương đương kích thước của sao neutron thông thường. Sao neutron là phần lõi sụp đổ của những ngôi sao lớn hơn từng có khối lượng gấp 10 - 29 lần Mặt Trời. Chúng là những ngôi sao nhỏ nhất và đặc nhất được biết đến.

Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn chưa lý giải nhiều yếu tố. "Ở thời điểm này, chúng tôi thực sự không hiểu rõ cơ chế. Có nhiều câu hỏi như làm thế nào một ngôi sao neutron xoay tròn có thể sinh ra mức năng lượng cao thường thấy ở FRB?", nhà khoa học Vishal Gaijar ở Trung tâm nghiên cứu SETI thuộc Đại học California, Berkeley và dự án Breakthrough Listen, hai tổ chức chuyên tìm kiếm dấu hiệu của trí thông minh ngoài hành tinh, cho biết.

Một cách giải thích khả thi khác là sao từ có thể tương tác với một đám mây vật chất có nguồn gốc từ sao chết ban đầu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng không loại trừ hoàn toàn khả năng chớp sóng đến từ một nền văn minh ngoài hành tinh tiên tiến.

Theo: Phương Hoa/Vnexpress

Tác giả: Phương Hoa

Tin mới trong ngày