2017 là năm TTCK Việt Nam tỏa sáng nhất châu Á
Vũ Hạo 12/31/2017 04:30 PM
Đà leo dốc gần 30% đánh dấu mức tăng vượt trội của chứng khoán châu Á trong năm 2017 và cũng là đà leo dốc mạnh nhất trong tất cả khu vực. Chênh lệch về đà tăng giữa chứng khoán châu Á và châu Âu ở mức cao nhất kể từ năm 2003, và so với Mỹ thì cao nhất kể từ năm 2009.

Các thị trường từ Ấn Độ cho tới Indonesia và Hàn Quốc đồng loạt chạm mức kỷ lục, và lợi nhuận dồi dào từ các doanh nghiệp châu Á có nghĩa là giá cổ phiếu có thể vẫn còn thấp hơn so với phần còn lại của thế giới. Và có lẽ điều đáng ngạc nhiên nhất là đà tăng diễn ra trong bối cảnh xuất hiện căng thẳng ở Triều Tiên, chiến dịch giảm đòn bẩy của Trung Quốc và đồng JPY mạnh hơn.

Thế nhưng, ngay cả trong một năm tăng mạnh như vậy, thì vẫn có kẻ thắng người thua (xét một cách tương đối).

Sau đây, Bloomberg đưa ra bức tranh toàn cảnh về diễn biến của thị trường chứng khoán ở các khu vực:

Năm tỏa sáng của thị trường chứng khoán Việt Nam

Nguồn: bloomberg.com

Một thị trường cận biên tăng mạnh nhất trong nhóm các thị trường châu Á về phương diện phần trăm trong năm nay là Việt Nam. Quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng gấp đôi trong năm vừa qua, chủ yếu là nhờ các đợt thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà Nước (DNNN), đợt niêm yết thành công của các doanh nghiệp lớn, và đáng chú ý nhất là mức nhảy vọt 47% của VN-Index.

Liệu TTCK Việt Nam sang năm 2018 có thành công như năm 2017? Ảnh: vietstock.vn

Hiện nay, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam đã gần bắt kịp với Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồng Kông, Nhật Bản đứng đầu bảng thị trường phát triển về giá trị vốn hóa mới tạo ra

Khi xét về phương diện tổng giá trị mà công ty đã tạo ra cho các cổ đông, thì Hồng Kông và Nhật Bản đi đầu bảng xếp hạng với tổng cộng 2.5 ngàn tỷ USD về giá trị vốn hóa mới tạo ra.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông nhảy vọt 36%, chủ yếu là nhờ thành quả vượt trội của Tencent, còn chỉ số Topix leo dốc 20% và đưa cổ phiếu Nhật Bản trở về các mức đỉnh từng thấy trong năm 1991. Công ty quản lý tài sản lớn nhất trên thế giới, BlackRock, vẫn giữ khuyến nghị đầu tư mạnh vào cổ phiếu Nhật Bản vì lợi nhuận doanh nghiệp dồi dào và giá cổ phiếu hấp dẫn.

Nguồn: bloomberg.com

Trung Quốc vấp ngã

Đứng gần cuối của bảng xếp hạng thành quả là Trung Quốc. Chính chiến dịch giảm bớt rủi ro trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc đã giáng một đòn nặng nề lên thị trường chứng khoán nước này, trong đó chỉ số Shanghai Composite chỉ tăng 6.2%/năm. Nhà đầu tư đổ tiền vào các công ty vốn hóa lớn và sở hữu Nhà nước, dẫn tới chênh lệch thành quả giữa những công ty này và thị trường chung ở mức cao kỷ lục trong năm nay.

Nguồn: bloomberg.com

Chỉ số có thành quả tệ nhất ở châu Á là Pakistan’s KSE100 Index với mức lao dốc 16%, và chỉ số Laos Composite lùi 1.6%. Đây là hai thị trường chứng khoán duy nhất ở khu vực châu Á chứng kiến đà sụt giảm về thành quả.

Thị trường đắt đỏ nhất

Thị trường chứng khoán trị giá 2.4 ngàn tỷ USD của Ấn Độ giành lấy ngôi vị thị trường chứng khoán đắt đỏ nhất châu Á. Trong tuần qua, các chỉ số chứng khoán Ấn Độ cũng đạt mức kỷ lục. Nhà đầu tư kỳ vọng đà leo dốc sẽ tiếp tục trong năm tới, trong đó các chuyên gia phân tích tại Nomura Financial Advisory & Securities (India) Pvt cho rằng nền kinh tế nước này đang ở đỉnh của chu kỳ đi lên. Dù vậy, các chuyên viên giao dịch cũng để tâm đến các yếu tố chính trị, trong đó 8 bang của nước này – vốn chiếm tới 25% dân số Ấn Độ – chuẩn bị tổ chức bầu cử trong 12 tháng tới.

Nguồn: bloomberg.com

Hàn Quốc tăng trưởng ổn định bất chấp Triều Tiên phóng tên lửa

Dường như, các đợt phóng tên lửa của Triều Tiên không thể ngăn cản thị trường cổ phiếu Hàn Quốc leo dốc. Trong năm vừa qua, thị trường cổ phiếu Xứ sở kim chi đã thu hút 8 tỷ USD dòng vốn vào và nhờ đó, chỉ số Kospi cũng nhiều lần chạm mức kỷ lục.

Nguồn: bloomberg.com

Đà nhảy vọt của cổ phiếu công nghệ

Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (The MSCI Asia Pacific Index) leo lên mức kỷ lục trong ngày thứ Năm, đồng thời vượt qua đỉnh cũ 2007. Các công ty công nghệ là tâm điểm của sự chú ý với đà tăng 54%/năm, mức leo dốc mạnh nhất trong 8 năm. Điều này là nhờ sự thành công vượt bậc của dịch vụ nhắn tin WeChat của Tencent Holdings, lĩnh vực thương mại điện tử của Tập đoàn Alibaba và các ứng dụng của Samsung Electronics.

Nguồn: bloomberg.com

Theo: Vũ Hạo/Vietstock 

Author: Vũ Hạo

News day