Alibaba và Amazon - Cuộc chiến giành thị phần tại Đông Nam Á
Kim Tiến 12/26/2016 05:00 PM
Thị trường Thương mại điện tử bây lâu nay đã không lạ lẫm gì với cuộc đua của các ông lớn, tiêu biểu là Alibaba và Amazon. Nhưng trong thời gian tới đây, cả hai doanh nghiệp có kinh nghiệm sâu sắc về thị trường, sở hữu nguồn lực tài chính mạnh cùng khao khát chinh phục sẽ cùng đối mặt tại thị trường Đông Nam Á.

Theo tờ TechAsia, một trận chiến quan trọng trên thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á vừa nổ ra giữa một bên là ông lớn tới từ Mỹ, cha đẻ của nhiều website mua sắm trên internet, Amazon và một bên là đối thủ nặng ký tới từ Trung Quốc, Alibaba. Cả hai công ty đều có quy mô rất lớn tại quê nhà, nguồn lực tài chính dồi dào và khao khát mở rộng thị trường quốc tế.

Không còn hoài nghi gì về cuộc chiến của hai ông lớn tại thị trường Đông Nam Á.
Ảnh: The country caller

Lại nói về Alibaba, đây là trang thương mại điện tử thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma đã có những bước tiến dài vào thị trường Đông Nam Á. Trong khi Amazon đang tạo ra thế gọng kìm vây quanh khu vực “béo bở” này và dự kiến là sẽ “tung đòn” ngay trong đầu năm sau. 

Vậy cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào?

Những đòn quyết định khác nhau

Theo TechAsia, mặc dù cả hai công ty đều nổi tiếng với tư cách là những ông lớn trong thị trường thương mại điện tử, nhưng mô hình kinh doanh của 2 bên lại không giống nhau.

Amazon, dưới sự dẫn dắt của CEO Jeff Bezos, bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng và lưu giữ hàng hóa trên mạng lưới kho bãi của mình.

Trong khi đó, mô hình kinh doanh của Alibaba giống như một chợ điện tử. Trang bán hàng lớn nhất của công ty, Taobao, cung cấp nền tảng cho người bán và người mua trao đổi hàng hóa, tượng tự như eBay. Trang web này không lấy hoa hồng từ người bán nhưng muốn xếp hạng ở vị trí cao hơn trên website, người bán phải trả một khoản phí nhất định. 

Chân dung CEO Jack Ma và Jeff Bezos.
Ảnh: TechAsia

Trong vòng vài năm trở lại đây, Amazon đã chuyển hướng sang việc mở các chợ điện tử, nơi công ty có thể kiếm phần trăm từ doanh số. Nhiều người bán có thể lưu giữ hàng hóa tại các kho của Amazon để vận chuyển nhanh chóng tới tay người dùng.

Cả hai công ty đều nắm giữ phần trăm doanh số rất lớn tại quê nhà, cụ thể là Alibaba giữ 80% doanh số bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc còn Amazon chiếm 60% tại Mỹ. Bước tiếp theo của cả hai gã khổng lồ này là: chinh phạt thế giới.

Những khó khăn phía trước

Đông Nam Á, thị trường với hơn 600 triệu người dùng tiềm năng. Mặc dù mua sắm trực tuyến chỉ chiếm 5% thị phần bán lẻ tại khu vực, thế nhưng con số này sẽ tăng lên nhiều lần với sự tăng lên của tỉ lệ người dùng smartphone và tầng lớp trung lưu.

Nhưng đây chắc chắn sẽ không phải là một đấu trường đơn giản cho cả hai. Bởi Đông Nam Á rất đa dạng và có nhiều đặc tính riêng. Điều này yêu cầu nhiều điều chỉnh để phù hợp với văn hóa địa phương cũng như nhiều chiến lược marketing khác nhau. Các quy định về nhập khẩu của từng quốc gia cũng có sự khác biệt, tỉ lệ tham nhũng còn cao và cơ sở hạ tầng yếu kém khiến việc vận chuyển và giao hàng bị chậm và tốn kém. 

Thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á tiềm ẩn nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư.
Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn

Dẫu khó khăn là vậy nhưng chẳng khiến CEO Alibaba, Jack Ma ngã lòng. Ông đã lựa chọn được một cách hoàn hào nhất để bước vào Đông Nam Á: mua lại.

Thông qua cánh tay tài chính Ant Financial, công ty quản lý ứng dụng ví điện tử Alipay, Alibaba đầu tư và M-Daq của Singapore. M-Daq là công ty vừa tung một sản phẩm ngoại hối dành cho thương mại điện tử có thể giúp việc giao dịch xuyên biên giới đỡ tốt kém hơn nhiều. Và cũng không thể không nhắc tới thương vụ mua lại Lazada của Việt Nam gần đây.

Amazon cũng không hề kém cạnh, Ông lớn này cũng bắt tay vào thương vụ mua lại Redmart hồi đầu năm nay. Tuy cuộc đàm phán giữa hai bên đã không đem lại kết quả như mong đợi nhưng cũng nhen nhóm trong Amazon nhiều vụ mua lại khác.

Tiền đầy túi

Và quan trọng nhất là cả Alibaba và Amazon đều có đủ nguồn lực tài chính để xâm chiếm Đông Nam Á. Cả hai công ty đều đang làm ăn rất phát đạt. Trong quý 3/2016, doanh thu của Alibaba đạt 5,1 tỷ USD và lợi nhuận đạt 1,1 tỷ USD. Với doanh thu 32,7 tỷ USD cùng kỳ, dường như Amazon đã bỏ xa Alibaba.

Thế nhưng dù doanh thu lớn như vậy, Amazon chỉ thu về khoản lợi nhuận thực 252 triệu USD. Điều đó đồng nghĩa với việc 6 quý liền Amazon làm ăn không có lãi. Chấp nhận làm ăn không có lãi trong nhiều năm, Amazon đang chơi một cuộc chơi dài hạn, tập trung vào việc tăng thị phần thay vì lợi nhuận và tái đầu tư số tiền kiếm về.

Thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động rõ rệt.
Ảnh: The Biz Web

Như vậy, cuộc chiến của hai ông lớn tại thị trường Đông Nam Á có lẽ còn phải tốn nhiều giấy mực của báo chí trong thời gian tới. Câu hỏi đặt ra lúc này là, những doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước vốn không thể có tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm ngang ngửa Amazon và Alibaba nên làm gì để trụ lại giữa thị trường khắc nghiệt này?

Author: Kim Tiến

News day