Mỹ: Góc khuất sau phía sau những tử thi được hiến cho khoa học
Dư Hoàng 01/26/2018 10:00 AM
Hiến tặng thi thể của mình cho khoa học, hiến xác vì không có tiền làm tang lễ, có lẽ nhiều người Mỹ không thể ngờ được rằng khi sang thế giới bên kia, các bộ phận của mình lại trở thành món hàng để mua bán và cho thuê hay sử dụng cho các mục đích sai ước nguyện.

Luật pháp Mỹ quy định rất nghiêm về ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng và mô, thế nhưng về các thi thể không cấy ghép thì có rất ít quy định quản lý và Chính phủ liên bang thậm chí còn chẳng điều luật nào cấm mua bán xác người phục vụ nghiên cứu, giáo dục. Hầu như tất cả mọi người bất kể trình độ chuyên môn đều có thể mổ xẻ và buôn bán bộ phận cơ thể người, bất kỳ ai đều có thể dễ dàng đặt được một vài bộ phận cơ thể chỉ cần trao đổi qua email.

Giá trung bình cho toàn bộ cơ thể là 5.000 USD. Ảnh: Reuters

Mỗi năm, hàng nghìn người Mỹ hiến tạng với niềm tin sẽ đóng góp cho khoa học nhưng cuối cùng, nhiều người trong số họ lại trở thành món hàng của một thị trường buôn bán thi thể người tự do không kiểm soát của các công ty môi giới thi thể, những doanh nghiệp hoạt động bằng cách thu mua xác chết, phân chia rồi bán lại cho các nhà nghiên cứu y tế, tổ chức đào tạo hoặc cá nhân khác.

Năm 2016, Reuters đưa tin hơn 20 thi thể hiến tặng từng bị một công ty môi giới ở bang Arizona có tên Biological Resource Center (BRC) tự ý bán cho quân đội sử dụng trong các thí nghiệm nổ bom mìn. Reuters cho biết, từ năm 2004 tới nay, hàng ngàn bộ phận thi thể người bị sử dụng trái ý người hiến tặng, thậm chí bị lạm dụng, báng bổ như bị nổ tung khi được sử dụng trong thí nghiệm quân đội về các thiết bị nổ. Tính từ năm 2011 đến 2015, những công ty môi giới tử thi đã nhận ít nhất 50.000 thi thể và phân phối hơn 182.000 bộ phận cơ thể.

Theo ước tính, hơn 100 thi thể người đã được "sử dụng" trong chương trình đo lường tác động của các thiết bị nổ, nhằm bảo vệ binh lính Mỹ  giảm thiểu tác hại do bom mìn ở các chiến trường Iraq và Afghanistan của Ngũ Giác Đài cùng các nhà nghiên cứu đến từ 9 trường đại học của Mỹ.

Trong số các bộ phận thi thể do các công ty môi giới bán cho quân đội, người ta tìm thấy những bộ phận của những người hiến xác, trong đơn tình nguyện hiến xác đều lựa chọn không muốn thi thể sẽ bị dùng cho các thử nghiệm quân đội hoặc nổ bom mìn. 

Năm 2014, cảnh sát đột kích vào trụ sở của BRC, một công ty môi giới thi thể cho quân đội, và một phần góc khuất công ty này đã được đưa ra ánh sáng. Trong suốt hơn 1 thập kỷ tồn tại, BRC đã bán hơn 20.000 bộ phận từ khoảng 5.000 tử thi với giá từ 3.000 - 5.000 USD, đôi khi lên tới 10.000 USD. Các công ty này thường chia thi thể ra thành sáu phần nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, phần thân trên kèm chân có giá 3.575 USD, đầu giá 500 USD, chân giá 350 USD còn cột sống giá 300 USD, để kiếm lời. Ông chủ công ty là Stephen Gore đã nhận tội lừa đảo, dẫn tới sự chấm dứt hoạt động của công ty này sau đó.

Theo điều tra công bố cuối năm 2017 của Reuters cho hay, 34 thi thể hoặc bộ phận thi thể được cung cấp cho quân đội thử nghiệm trái ý nguyện người hiến thay vì phục vụ mục đích y học, trong đó có 18 trường hợp trong đơn đồng thuận hiến xác không có bất cứ đề cập nào tới khả năng thí nghiệm quân sự, 16 trường hợp còn lại, các lựa chọn sử dụng thi thể có một lựa chọn cho phép các thí nghiệm quân đội cũng như thí nghiệm bạo lực khác. 

Trong nhiều trường hợp, hiến xác cho các trường Y cũng bị cáo buộc. Hồi năm 2004, vụ việc 7 thi thể hiến tặng cho Đại học Y Tulane ở New Orleans, bang Louisiana, bị bán cho quân đội sử dụng trong các thí nghiệm nổ mìn đã khiến dư luận chao đảo. Theo đó, hàng năm Tulane nhận tới 150 thi thể hiến tặng nhưng nhu cầu cho các lớp học của trường chỉ khoảng 40 - 45 thi thể và họ đã bán lại cho công ty National Anatomical Service (Dịch vụ Giải phẫu quốc gia) tại New York, công ty chuyên phân phối thi thể trên cả nước với giá 1.000 USD/thi thể. Sau đó, National Anatomical Service đã bán 7 thi thể cho quân đội với giá khoảng 30.000 USD để sử dụng trong thử nghiệm giày bảo hộ chống mìn tại căn cứ Sam Houston ở thành phố San Antonio, bang Texas. Năm ngoái, The New York Times đưa tin vụ việc Đại học New York từng chôn một số lượng không rõ xác hiến tặng cùng một nấm mồ. Sau đó, trường này phải công khai xin lỗi và cho biết đã sửa đổi chính sách để bảo vệ tốt hơn ý nguyện của người hiến xác.

Tại Honolulu, cảnh sát đã 2 lần được gọi đến cơ sở của Bryan Avery, một người chuyên buôn bán tử thi, tuy nhiên Avery vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, vì chẳng có quy định nào có thể kết tội anh ta.

Từ năm 2002, FDA đã ghi nhận ít nhất 1.352 ca nhiễm bệnh do cấy ghép mô ở Mỹ. Trong đó có 40 người tử vong. Ảnh: Bee.vn

Một trường hợp khác, Arthur Rathburn sắp ra tòa vào đầu năm 2018 vì đã buôn bán bộ phận cơ thể “kém chất lượng” cho các bác sĩ. Trong vụ kiện này, Rathburn bị kiện vì bán mẫu vật nhiễm virus HIV và viêm gan cho các bác sĩ, và họ sử dụng nó để đào tạo học viên. Tuy nhiên, khả năng ông này bị kết tội là không cao vì luật pháp chưa quy định cụ thể về vấn đề này.

Năm 2017, các công tố viên khởi tố chủ sở hữu Bio Care là Paul Montano, một công ty chuyên về môi giới thi thể người song cuối cùng phải rút lại bởi không thể chứng minh ông ta phạm tội bởi không luật nào ở New Mexico quy định về việc xử lý các cơ quan hiến tặng hay bảo vệ thân nhân người hiến xác.

Các công ty như BRC, Bio Care, không phải là ít ở Mỹ và ngày càng nhức nhối. Lĩnh vực buôn bán tử thi là ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ khi họ nhận “mặt hàng” miễn phí, rồi bán lại với giá lên tới hàng nghìn USD.

Author: Dư Hoàng

News day