Thực tế ảo giúp bệnh nhân cấy ghép đầu làm quen với cơ thể mới
Bích Ngọc (Dịch) 12/17/2016 05:00 PM
Sergio Canavero sẽ sử dụng hệ thống công nghệ thực tế ảo (VR) giúp bệnh nhân trải qua phẫu thuật cấy ghép đầu làm quen và thích nghi với cơ thể mới.

Ca phẫu thuật cấy ghép đầu người đầu tiên trên thế giới dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2017, được thực hiện bởi giáo sư người Ý Sergio Canavero - người đã mất nhiều năm nghiên cứu về phương pháp này. Theo thông tin mới nhất, bệnh nhân người Nga 30 tuổi Valery Spiridonov của ông sẽ được sử dụng một hệ thống thực tế ảo trong vài tháng trước khi phẫu thuật để chuẩn bị cho kĩ năng thích nghi và kiểm soát cơ thể hoàn toàn mới.

Giáo sư Sergio Canavero - người sẽ thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép đầu đầu tiên.
Ảnh: playbuzz.com

Canavero khẳng định rằng ông có thể thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép đầu đã được dự tính và tranh cãi từ năm 2013. Ông cho biết đã tiến hành thử nghiệm trên nhiều tử thi, chuột và thậm chí là loài khỉ, mặc dù thành quả của ông không được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành nào. Tuy nhiên điều này không khiến ông mất đi sự tự tin: “Tôi đã có được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm cho ca phẫu thuật này”, “Điều quan trọng là mọi người hãy ngừng nghi ngờ về nó. Ca phẫu thuật hoàn toàn có thể thành công và chúng tôi vẫn đang làm việc để có được kết quả đó”, Canavero trao đổi với phóng viên New Scientist.

Công nghệ thực tế ảo được sử dụng để giúp bệnh nhân cấy ghép đầu làm quen cơ thể mới.
Ảnh: tuoitre.vn

Ông đã quyết định sử dụng công nghệ VR để giúp Spiridonov luyện tập, chuẩn bị trước ca phẫu thuật. Hệ thống được phát triển bởi công ty Inventum Bioengineering Technologies của Mỹ và được thiết kế đặc biệt nhằm hỗ trợ bệnh nhân có khả năng đối phó với phản ứng tâm lý bất ngờ sau khi trải qua phẫu thuật cấy ghép. Hệ thống giúp họ luyện tập cách chuyển động trong toàn bộ cơ thể và làm quen với những chức năng tự nhiên.

Theo Digital Trends, hệ thống VR được sử dụng dựa trên tai nghe HTC Vive và bộ thiết bị Virtuix Omni. Các Virtuix Omni bao gồm bộ nẹp cố định, do đó người dùng sẽ ở nguyên một vị trí trong khi họ cảm nhận cơ thể đang di chuyển trong không gian thực tế ảo.  

Việc Spiridonov mạo hiểm muốn thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép đầu là điều dễ hiểu bởi anh bị mắc chứng teo cơ di truyền hay còn gọi là Werdnig-Hoffmann. Căn bệnh này khiến anh bị liệt hoàn toàn và dần yếu đi. Tuy nhiên, việc trải qua phẫu thuật và phục hồi cơ thể hoàn toàn không dễ dàng.

Trong khi phẫu thuật, cơ thể Spiridonov và cơ thể của người hiến sẽ được làm lạnh đến một nhiệt độ rất thấp. Cổ và cột sống sẽ được cắt bằng một con dao đặc biệt để giảm bớt tổn thương mô. Sau khi được tiêm polyethylene glycol - chất bảo vệ màng tế bào thần kinh, đầu của ông sẽ được hợp nhất với cơ thể của người hiến. Phẫu thuật kết thúc, anh sẽ vẫn ở trong tình trạng hôn mê kéo dài 4 tháng, cho đến khi các vết thương lành lại.

Valery Spiridonov, bệnh nhân của cuộc phẫu thuật cấy ghép đầu đầu tiên.
Ảnh: totallycoolpix.com

“Cảm giác duy nhất lúc này là sự thiếu kiên nhẫn. Tôi đã chờ đợi và sẵn sàng cho điều quan trọng nhất của cuộc đời mình đang đến gần”, Spiridonov chia sẻ với CEN - Trung tâm tin tức châu Âu.

Canavero đã bắt đầu cuộc hành trình nghiên cứu phương pháp cấy ghép và đi tới ca phẫu thuật thực tiễn với mục đích giúp đỡ những bệnh nhân tê liệt hoàn toàn. “Hoạt động này nhằm khôi phục sự tự do cho những người khuyết tật và tê liệt. Khi mọi thứ đã hoàn thiện, tôi mong muốn được nhìn thấy cuộc sống khỏe mạnh của họ”, trích lời phát biểu của ông với CEN.

Author: Bích Ngọc (Dịch)

News day