Vụ để lộ thông tin của 50 triệu người dùng là khủng hoảng tồi tệ nhất Facebook gặp phải trong nhiều năm qua. Nếu không xử lý thấu đáo, hãng này có thể mất nhiều hơn những gì họ tưởng.
Facebook bị tố bán đứng người dùng và đi ngược với những giá trị mà họ đã cam kết. Dữ liệu của 50 triệu người dùng bị thu thập trái phép chỉ là con số ban đầu. Đằng sau đó còn lộ ra nhiều thông tin gây sốc khác.
Ai là người thu thập toàn bộ dữ liệu?
Chính là Cambridge Analytica, công ty dữ liệu chính trị được thuê trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Trump năm 2016, đã thu thập dữ liệu cá nhân của hơn 50 triệu người dùng Facebook.
Công ty này cung cấp công cụ có thể nhận diện đặc điểm cá nhân của cử tri Mỹ nhằm tác động tới quyết định bầu cử của họ.
Phần lớn nguồn vốn hoạt động của Cambridge Analytica đến từ Robert Mercer, nhà tài trợ giàu có của Đảng Cộng hòa và Stephen K. Bannon, cựu cố vấn cho Tổng thống Trump. Ông Bannon là thành viên đầu tiên của ban giám đốc và cũng chính là người đặt tên cho công ty này.
Cambridge Analytica cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng lớn như Mastercard, đội bóng chày New York Yankees và Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.
Hôm 19/3, kênh truyền hình Channel 4 News của Anh công bố video quay cảnh lãnh đạo Cambridge Analytica khoe khoang có thể gài bẫy và hối lộ nhằm làm mất uy tín các chính trị gia. Một ngày sau đó, Cambridge Analytica tuyên bố đình chỉ CEO Alexander Nix để phục vụ cho công tác điều tra.
Dữ liệu nào được thu thập và bằng cách nào?
Một phần dữ liệu Cambridge Analytica thu thập đã được The New York Times phân tích. Dữ liệu này bao gồm danh tính người dùng Facebook, danh sách bạn bè và các cú “like”.
Từ dữ liệu này, Cambridge Analytica có thể lập bản đồ chi tiết tính cách cá nhân của người dùng dựa trên những gì họ đã “like” trên Facebook, rồi sau đó dùng thông tin này để hiển thị quảng cáo đúng đối tượng.
Năm 2014, Cambridge Analytica yêu cầu người dùng Facebook tham gia khảo sát cá nhân và tải ứng dụng về máy tính. Ứng dụng này thu thập một số thông tin cá nhân từ profile người dùng và bạn bè. Chính Facebook đã cho phép thực hiện việc này nhưng sau đó quyết định ngăn cấm.
Kỹ thuật thu thập thông tin kiểu trên được phát triển tại Trung tâm Tâm lý trắc học của Đại học Cambridge. Trung tâm này từ chối cộng tác với Cambridge Analytica nhưng Aleksandr Kogan, giáo sư tâm lý học của Đại học Cambridge đã quyết định hợp tác với Cambridge Analytica.
Tiến sĩ Kogan đã tạo ra ứng dụng riêng và bắt đầu thu thập dữ liệu cho Cambridge Analytica từ tháng 6/2014.
Chỉ riêng Kogan đã cung cấp dữ liệu thô của 50 triệu người dùng Facebook cho Cambridge Analytica. Chỉ khoảng 270.000 người tham gia khảo sát trên đồng ý cung cấp dữ liệu. Cambridge Analytica nói với những người này rằng dữ liệu cá nhân của họ sẽ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu.
Về phía Facebook, hãng này cho biết không có bất cứ mật khẩu hoặc “thông tin nhạy cảm” nào của người dùng bị Cambridge Analytica thu thập ngoài thông tin về vị trí.
Liệu Facebook có bị hack?
Facebook cho rằng những gì Cambridge Analytica đã làm không phải dạng rò rỉ dữ liệu, đại khái là không bị hack. Facebook thường cho phép các nhà nghiên cứu được tiếp cận dữ liệu người dùng với mục đích nghiên cứu, và điều này đã được nêu trong điều khoản ban đầu khi người dùng tạo tài khoản Facebook.
Tuy nhiên, Facebook lại nghiêm cấm bán hoặc chuyển giao dữ liệu cho bất cứ mạng lưới quảng cáo, môi giới dữ liệu hoặc bất cứ dịch vụ liên quan tới quảng cáo và tiền tệ khác.
Công ty này nói rằng đó đích xác là những gì tiến sĩ Kogan đã làm khi cung cấp thông tin cho công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica.
Tiến sĩ Kogan từ chối cung cấp cho The Times chi tiết những gì đã xảy ra, đồng thời viện dẫn thỏa thuận giữ bí mật thông tin mà ông đã ký với Facebook và Cambridge Analytica.
Trong khi đó, các quan chức Cambridge Analytica lại đưa ra thông tin bất nhất. Tuy ban đầu một mực bác bỏ cáo buộc rằng công ty đã thu thập và sử dụng dữ liệu Facebook, sau đó lại đổi giọng cho rằng công ty đã lấy dữ liệu từ tiến sĩ Kogan, đồng thời đổ lỗi luôn cho ông này vi phạm điều khoản của Facebook.
Cambridge Analytica thậm chí còn nhấn mạnh rằng đã xóa thông tin cách đây hai năm ngay sau khi biết rằng chúng được thu thập trái phép.
Facebook nói gì?
Trong tuyên bố phát đi hôm 16/3, Facebook cho biết năm 2015 khi phát hiện nghiên cứu của tiến sĩ Kogan được chuyển cho Cambridge Analytica, công ty đã loại bỏ ứng dụng của ông này khỏi nền tảng mạng xã hội. Facebook cũng cho biết công ty đã yêu cầu và được xác nhận rằng dữ liệu thu thập trái phép đã bị hủy.
“Cách đây vài ngày, chúng tôi nhận được báo cáo nói rằng trái với xác nhận ban đầu, dữ liệu không được hủy hoàn toàn. Chúng tôi đang cố gắng xác minh báo cáo nào. Nếu đúng thì đây sẽ là vi phạm không thể chấp nhận được, trái với cam kết mà họ (Cambridge Analytica) đã đưa ra. Chúng tôi đã ngưng toàn bộ ứng dụng của Cambridge Analytica và Kogan trên Facebook để điều tra thêm”, thông báo của Facebook.
Ngoài ra, Facebook còn cho biết đã thuê một công ty điều tra số để xác định xem dữ liệu vi phạm có thực sự bị xóa hay chưa. Facebook nói rằng Cambridge Analytica và tiến sĩ Kogan đã cam kết bằng miệng rằng sẽ tham gia cuộc điều tra này.
Phản ứng của người ngoài cuộc
Vốn liên tục bị truy vấn về tin tức giả mạo và bị giới chính trị Nga lợi dụng, nay Facebook lại lún sâu hơn vào khủng hoảng mang tên “Cambridge Analytica”. Các nhà đầu tư đã gửi đi tín hiệu thất vọng khiến giá cổ phiếu Facebook giảm hơn 8% kể từ cuối tuần trước.
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) ngày 20/3 cho biết đang tiến hành điều tra khả năng Facebook vi phạm thỏa thuận đảm bảo an toàn dữ liệu người dùng ký năm 2011.
Trong khi đó tại Quốc hội Mỹ, các nghị sĩ Amy Klobuchar của Đảng Dân chủ và John Kennedy của Đảng Cộng hòa đã yêu cầu có buổi điều trần về các mối liên quan giữa Facebook và Cambridge Analytica.
Các lãnh đạo Cộng hòa của Ủy ban Thương mại Thượng viện dẫn đầu bởi thượng nghị sĩ John Thune đã gửi thư cho Mark Zuckerberg ngày 19/3 yêu cầu trả lời các câu hỏi về cách thức thu thập dữ liệu người dùng.
Ủy ban Quốc hội Anh cũng gửi thư cho Zuckerberg yêu cầu CEO này ra điều trần trước quốc hội để trả lời các câu hỏi về mối liên quan giữa Facebook và Cambridge Analytica.
Ngày 18/3, Tổng chưởng lý Maura Healey của bang Massachusetts cho biết văn phòng của bà đã mở cuộc điều tra. “Người dân Massachusetts xứng đáng nhận được câu trả lời ngay lập tức của Facebook và Cambridge Analytica”, bà Maura Healey viết trên Twitter.
Việc Facebook từ chối công bố phương pháp thu thập dữ liệu sẽ vi phạm luật một số bang tại Mỹ và Anh.
Facebook mất 60 tỷ USD chỉ trong hai ngày
Chỉ trong hai ngày 19 và 20/3, cổ phiếu Facebook lao dốc khiến công ty này mất 60 tỷ USD. Cụ thể, cổ phiếu Facebook chốt phiên giao dịch thứ Hai (19/3) giảm 6,8%, mức giảm mạnh nhất trong 4 năm trở lại đây.
Chưa hết, cổ phiếu công ty này tiếp tục mất hơn 4,4% trong phiên giao dịch ngày 20/3 sau khi có thông tin Ủy ban Giao dịch Liên bang Mỹ đang điều tra sự việc, và Giám đốc Bảo mật Alex Stamos của Facebook sắp nghỉ việc.
Mark Zuckerberg bị đề nghị từ chức
Cách thức giải quyết khủng hoảng của CEO Mark Zuckerberg không được lòng giới đầu tư. Nhà đầu tư công nghệ Jason Calacanis đã đề nghị CEO này từ chức để giám đốc vận hành (COO) Sheryl Sandberg lên thay.
Mark Zuckerberg lên tiếng
Khoảng 3 ngày sau khi scandal nổ ra, Mark Zuckerberg - CEO, đồng thời là người sáng lập Facebook - đưa ra phát ngôn đầu tiên của mình. Ông lặp lại một vài thông tin đại diện Facebook từng nói, đồng thời khẳng định "nếu không thể bảo vệ người dùng, chúng tôi không xứng đáng phục vụ các bạn".
Phát ngôn này được nhiều người cho là chưa thỏa đáng bởi đại diện Facebook không đưa ra bất cứ lời xin lỗi nào. Ngay sau đó, Mark xuất hiện trên CNN và New York Times, xin lỗi người dùng và hứa đưa ra biện pháp khắc phục.
Theo: Gia Nguyễn/Zing.vn
Mặt Trăng trùm bóng đen lên Trái Đất khi nhìn…
Phát hiện thiên hà xoắn ốc cổ xưa nhất vũ…
Lớp manti Trái đất đang nóng hơn chúng ta tưởng…
Viên đá chứa kim cương ngoài hành tinh
Nút thắt hình thành từ hai thiên hà va vào…
Adidas sản xuất hàng loạt giày in 3D với start-up…
Phát hiện nguồn phát sóng hấp dẫn từ sao neutron
Ra mắt chiếc lược chải đầu thông minh đầu tiên…
Galaxy S9/S9+ với khả năng đo huyết áp của người…
Mang màu sắc đến với ngôi nhà của bạn
Một mình khám phá thủ đô Thái Lan – tại sao không?
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất cho tương lai
Em là một nửa hoàn hảo của anh
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa sẽ là người đầu tiên du lịch Mặt Trăng bằng tàu SpaceX